Bạn trẻ - Giáo dục - Ơn gọi

Lý tưởng đời dâng hiến

  • In trang này
  • Lượt xem: 4,247
  • Ngày đăng: 10/12/2021 08:23:50

LÝ TƯỞNG ĐỜI DÂNG HIẾN

 

Đời tu là dâng hiến toàn thể thân xác và linh hồn cho Chúa, để tùy ý Ngài sử dụng, sẽ chẳng còn gì hấp dẫn ta ngoài một mình Giêsu. 

 

 

Tôi không hề cảm thấy được bình an, mọi thứ sao lại trở nên rối bời với tôi lúc này, hôm nay là ngày kết thúc tuần tĩnh tâm để lãnh chức phó tế. Sao chỉ có mình tôi là mang khuôn mặt âu sầu, không giống với tôi mọi khi chút nào.

 

Ngày trước khi vào tuần linh thao, tôi đã sung sướng nghĩ đến nhiều chuyện nào là phải may áo alba ở đâu? vải loại gì, chắc phải hàng ngoại chứ nhỉ? Rồi thì sẽ đi đôi giày nào cho hợp và đẹp trong ngày lễ truyền chức? Vậy sao bây giờ trong đầu tôi chỉ có hai chữ ‘dừng lại’! Ngày mai anh em lớp chúng tôi sẽ viết đơn xin lãnh chức phó tế, tôi đợi ngày này lâu lắm rồi, nhưng sao giờ tôi lại thấy sợ khi đặt bút xuống viết.

 

“Thầy Lượng này! Tôi thấy thầy có vẻ không được bình an!” – cha giảng phòng ân cần nhìn tôi, khi hai cha con đi dạo sau bữa cơm tối. “Thầy có tâm sự gì muốn chia sẻ không?” – ánh mắt hiền từ của cha tiếp tục chạm đến tôi.

 

Có nên nói ra hay không, suốt tuần qua nhiều lần tôi đã đến cửa phòng cha nhưng rồi không dám bước chân vào vì tôi sợ! tôi sợ cha sẽ khuyên tôi dừng lại. Tôi không can đảm để nói ra những khó chịu trong trái tim tôi lúc này. Nhưng không lẽ cứ nhắm mắt bước tiếp, đời tôi liệu có còn hạnh phúc, có khi nào đánh mất cả linh hồn giống như tựa đề linh thao của cha mấy hôm nay. Ánh đèn nhà chầu le lói yếu ớt chợt lọt vào mắt tôi qua khung cửa sổ khi hai cha con đi qua sân nhà thờ. Tôi thấy Chúa như đang nhìn tôi, không giống cái nhìn của cha, cái nhìn của Ngài khiến tôi không sợ hãi, ánh mắt ấy như đang muốn cứu vớt tôi.

 

“Thưa cha, con có ý định sẽ không viết đơn lãnh chức phó tế”– Tôi hít một hơi dài rồi lấy hết dũng khí để nói ra. Tôi chợt thấy mình nhẹ nhõm, một cảm giác hạnh phúc và bình an khi đối diện với sự thật; đối diện với chính mình. Đúng là “sự thật sẽ giải phóng” chúng ta.

 

Cha cười nhẹ và nói: “Trước khi đi giảng linh thao cho các thầy, có cha đùa tôi nói rằng, ‘cha giảng mà không có thầy nào xin thôi là không thành công đâu nhé!’”. Cha dừng lại rồi nói tiếp: “Điều đấy đâu có đúng đâu thầy nhỉ? Và tôi chẳng bao giờ mong muốn điều ấy, điều tôi mong là các thao viên nhận ra mục đích ơn gọi của mình để can đảm chọn lựa lại, hoặc sửa đổi để tốt hơn, thầy Lượng có nghĩ vậy không?”

 

Tôi im lặng nhìn cha, vì chẳng biết phải nói gì nữa.

“Nhưng sao thầy lại có ý định đó, tôi nghĩ là thầy rất can đảm!” – Lần này cha nói mà không nhìn tôi.

 

“Cha ạ, bài linh thao ngày đầu tiên của cha có một gợi ý là ‘có phải càng tu lại càng tệ’, nó khiến con suy nghĩ rất nhiều, con không hiểu có phải Chúa muốn con  suy đi nghĩ lại về điều đó hay không, mà cho đến giờ phút này con chỉ nhớ chủ đề đó, và cầu nguyện với duy nhất điều ấy, con không thoát ra được khỏi gợi ý đó của cha. Con xin lỗi!” – Tôi thành thật nói với cha.

 

“Tôi nghĩ thầy hãy tạ ơn Chúa về điều đó! Nhưng Chúa đã cho thầy thấy điều gì về ý tưởng ấy?” – Cha dừng để lấy viên đá nhỏ lọt vào đôi dép cũ kĩ của cha. Tôi cũng nhìn vào đôi dép của mình, chẳng có hòn đá nào cả, những sao tôi lại cảm thấy khó chịu toàn thân, rõ ràng đó là đôi dép “xịn xò” tôi mới mua mà! Không lẽ!

 

“Thưa cha! Con thấy mình càng tu lại càng tệ thật cha ạ, con chẳng còn thấy lý tưởng phục vụ, nó cứ mất dần, phải nhạt dần. Càng tu con lại càng được mọi người yêu mến, giúp đỡ, và phục vụ. Con cứ nghĩ mình xứng đáng vì ‘thợ thì đáng được trả công’. Con đánh mất mình, đánh mất lý tưởng từ bao giờ mà con chẳng biết” – Tôi buồn bã nói.

 

“Vậy Chúa có cho thầy câu trả lời tại sao, khi thầy cầu nguyện với Người không?” – Cha hỏi tôi mà mắt cha đăm chiêu nhìn vào khoảng không trước mặt.

 

“Con không biết cha ạ! Cũng có thể vì con không dám nhìn vào sự thật mà Chúa tỏ cho con biết. Con sợ! con sợ phải dừng lại. Vì thế, có lẽ nhiều lần con đã cố gắng đánh đuổi những chất vấn mà Ngài đã gợi lên trong lương tâm con, bằng những thứ ồn ào hơn, hào nhoáng và hấp dẫn hơn”– Tôi thẳng thắn trả lời cha mà không sợ hãi như là đang được xưng tội vậy.

 

Rồi cha kể cho tôi câu chuyện quá quen thuộc nhưng sao như còn mới tinh! Câu chuyện về đạo sĩ Ấn Độ, chỉ vì chiếc áo tu bị chuột cắn rách, mà người dân thương cho con mèo để đuổi chuột, rồi lại con bò để có sữa nuôi mèo. Dĩ nhiên, là một người nữ để chăm sóc con bò nữa chứ. Cuối cùng, đạo sĩ cũng chẳng còn giờ để cầu nguyện vì phải lo cho cái gia đình nhỏ của ông. Vị đạo sĩ đã đánh mất lý tưởng!

 

“Kết thúc câu chuyện thật buồn phải không thầy?” – Cha chợt đổi giọng trở nên cứng rắn hơn, khiến tôi thấy sợ hãi khi nghĩ đến chính mình, liệu tôi có giống như đạo sĩ kia không nếu tôi cứ nhắm mắt tiến lên?

 

“Ngày nào đánh mất sự giản đơn, ngày ấy mất lý tưởng” – cha nói tiếp.

“Ngày nào thầy không còn nhìn lên thánh giá, ngày ấy thầy bất hạnh. Chỉ khi nhìn lên Đức Giêsu chịu đóng đinh, thầy mới thấy được lý tưởng đời tu. Đời tu là dâng hiến toàn thể thân xác và linh hồn cho Chúa, để tùy ý Ngài sử dụng, sẽ chẳng còn gì hấp dẫn ta ngoài một mình Giêsu. Khi ấy, thầy sẽ thấy được tự do trước mọi thứ vật chất trần gian, thầy sẽ thoát khỏi mọi thứ dính bén. Điều gì phục vụ đời tu nhiều thì sử dụng nhiều, cái gì phục vụ ít thì ít dùng. Và điều gì cản trở phải vứt bỏ. Thầy cần học để tìm thấy sự bình tâm trước tạo vật. Bằng không sự tham lam sẽ thiêu đốt linh hồn thầy”.

 

“Ngày nào thầy chỉ cúi nhìn mình, thầy sẽ chỉ lo đi tìm thỏa mãn nhu cầu bản thân, và đời linh mục hóa ra lại là phương tiện để tìm mình. Những gì trước đây thầy từ bỏ thì thầy lại tìm về gấp bội, thay vì lý tưởng phục vụ lại là hưởng thụ; mà sẽ chẳng bao giờ là đủ đâu thầy ạ.”- Cha nói một tràng những lời khiến tôi chợt thấy xấu hổ không phải với cha nhưng với Đấng đã yêu thương và chọn gọi tôi.

 

“Thầy cũng cần nhớ là khi trái tim thầy luôn muốn sở hữu thay vì từ bỏ, sẽ có lúc thầy cũng muốn chiếm hữu một người phụ nữ, lúc đó thì thật là tồi tệ phải không? Thôi thầy đi cầu nguyện đi, tôi cũng đi cầu nguyện cho thầy, hy vọng Chúa sẽ soi sáng giúp thầy, có được chọn lựa tốt nhất.”- Cha bỏ tôi lại một mình với bộn bề những suy tư, chỉ có điều lần này tôi không còn sợ khi đối diện với chính mình, với sự thật.

 

Cha quay lại nhìn tôi cười nhẹ: “Chọn cũng đồng nghĩa với bỏ lại!”.

Tôi bước vào nhà nguyện nhỏ của khu tĩnh tâm, ở đó một mình với ánh nến leo lắt khi những cơn gió thu đùa giỡn trên những cành cây rồi ùa vào qua cảnh cửa gỗ đã ọp ẹp. Tôi ngước nhìn lên Thánh giá, một Thiên Chúa trần trụi chẳng còn gì ngay cả dáng vẻ của một con người. Một Thiên Chúa đã “rời bỏ” cung lòng Chúa Cha chỉ vì Ngài “chọn” Tình Yêu với con người. “Từ bỏ” cả sự sống để “chọn” trao ban chính sự sống thần linh ấy cho nhân loại. Ngài chẳng có gì, còn tôi dường như đã có và sẽ có tất cả nhưng lại chẳng có Ngài. Tôi phải chọn! bàn tay Dakêu đã buông bỏ rất nhiều tài sản mới có thể nắm lấy Đức Giêsuvì thế mà “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến nhà này”.

 

Tôi cúi mình xin lỗi Chúa, nhưng sao tôi không thể khóc những giọt nước mắt ăn năn như Phêrô. Tôi chợt thấy những giọt nước mắt trên gò má gầy guộc của Đức Giêsu, tôi quá đỗi sợ hãi! Ngài đang khóc vì tôi ư? Ngài khóc vì “một đứa con hư mất” hay vì “đứa con hoang đàng trở về”. Mọi thứ như trao đảo, Đức Giêsu rơi từ trên thập giá xuống đất vỡ ra thành từng mảnh trước mắt tôi. Thôi hết rồi! Đó có phải là dấu xác nhận tôi đã đánh mất lý tưởng, còn đâu Giêsu trong lòng tôi nữa, mọi thứ đã vỡ tan, cơ hội nào cho tôi. Tôi hoang mang đến cùng cực, mọi thứ lại tiếp tục quay cuồng, ánh nến trên bàn thờ cũng vụt tắt, “mọi thứ quanh tôi thành đêm tối tối”. Hết thật rồi! Tôi thấy mình như đang rơi vào khoảng tối mênh mông không đáy.

 

“Vinh! Vinh, em làm sao đấy!”, có tiếng người gọi tôi, nhưng sao lại là Vinh! Tôi vội mở mắt ra, chao ôi! Đứng trước mặt tôi là cha giáo tập.

“Con xin lỗi cha, con ngủ quên, chẳng nghe thấy chuông gì cha ạ!” – Tôi vội ngồi dậy nhìn đồng hồ.

“Không sao, anh đi lần hạt mà không thấy em, đoán em mệt, nên đi xuống xem thế nào, thì nghe thấy em hét toáng lên, tưởng em làm sao. Chắc gặp ác mộng à!” – Cha nhìn tôi cười.

“Thôi! Em lên nhà nguyện tập hát đi, nhớ mang theo áo dòng, để anh em sắp xếp cho thánh lễ ngày mai. Chúc mừng em nhé!”.

 

Tôi nhìn theo cha, một con người nhỏ bé, gầy gò, khuôn mặt đen đúa nhưng nét mặt lại đầy niềm vui, một con tim luôn chứa chan tình yêu với người nghèo tại những vùng đất mà cha được sai đến truyền giáo, cả cuộc đời phục vụ người nghèo, thuộc về người nghèo. Giờ vâng lời bề trên về làm giám tập để chia sẻ ngọn lửa say mê ấy cùng lý tưởng đời dâng hiến cho chúng tôi, thế hệ “đàn em” của cha.

 

Tôi nhớ đến bài hát cha sáng tác tặng lớp chúng tôi nhân dịp khấn lần đầu, có đoạn: “Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con…Vâng lòng con sung sướng, vì gia nghiệp của con là Chúa, phần tuyệt hảo may mắn thuộc về con…Bên Ngài thế sự thật tình chẳng ham. Dẫu cho hồn xác con suy tàn, thì nơi náu ẩn kỷ phần lòng con, muôn đời là Chúa, Chúa ôi.” (Tv 16, Tv 73).

 

May quá, chỉ là một giấc mơ, tôi chưa phải phó tế, mà tôi cũng không phải là thầy Lượng nào đó. Sáng mai mới là ngày lễ khấn lần đầu, ngày mai tôi chính thức được trao áo dòng từ cha Giám Tỉnh. Tôi hạnh phúc nhìn chiếc áo chùng đen mà nhà dòng may cho tôi. Tôi chợt giật mình nhìn lên thánh giá treo trong căn phòng nhỏ của tôi, Chúa vẫn chịu treo trên đó, không bị rơi vỡ tan như trong giấc mơ.

 

Giấc mơ thì không thật, nhưng những lời trong giấc mơ ấy thì không sai. Ngày nào tôi không còn nhìn lên Đức Giêsu chịu treo trên thập giá, ngày ấy tôi bất hạnh. Ngày nào tôi chỉ lo tìm mình, ngày ấy tôi đánh mất lý tưởng đời hiến dâng.

 

                                                                              HỒI TÂM

(dongten.net)

Bài cùng chuyên mục:

Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 117 – Người Công giáo làm từ thiện (28/03/2024 08:04:04 - Xem: 53)

Nếu bản thân chúng ta hay cộng đoàn nơi chúng ta sinh sống còn ít thực thi bác ái, có nghĩa là chúng ta chưa sống đúng với ơn gọi của người Kitô hữu.

Nói gì với những người trẻ không còn cần đến Thiên Chúa nữa? (24/03/2024 08:33:54 - Xem: 275)

Đức tin chỉ lớn lên khi luôn khao khát nó: các tông đồ cầu xin Chúa : “Xin gia tăng đức tin cho chúng con” (Lc 17, 5).

Hãm mình để nâng dậy tâm hồn (13/03/2024 08:03:14 - Xem: 312)

Theo truyền thống tốt lành của Giáo hội, để vươn đến nhân đức nhanh hơn, hãm mình là cần thiết: ăn chay, đánh tội, từ bỏ ý riêng, khiêm nhường.

Cầu nguyện Mùa Chay có gì khác? (04/03/2024 07:13:00 - Xem: 310)

Con biết Mùa Chay là Mùa của cầu nguyện. Con nghĩ mùa nào cũng cần cầu nguyện mà. Vậy ý nghĩa cầu nguyện trong mùa này là gì ạ?

Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 116 – Vài cách cầu nguyện (29/02/2024 08:18:50 - Xem: 228)

Câu hỏi: Xin chia sẻ giúp con vài cách cầu nguyện phù hợp với môi trường sinh viên? Con cảm ơn nhiều.

Năm lời khuyên để đạt được và duy trì sự bình an trong tâm hồn (26/02/2024 05:34:39 - Xem: 402)

Có nhiều lý do dẫn đến sự bất an nhưng chẳng có lý do nào là tốt cả. Chúng ta muốn kiểm soát mọi thứ, nhưng điều này thực sự là không thể.

Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 115 - Cuộc sống luôn là lời cầu xin Chúa (17/02/2024 05:14:31 - Xem: 357)

Kinh Sáng Soi có nguồn gốc ở đâu và ý nghĩa của từng lời kinh là gì? Xin giúp chúng con hiểu sâu xa lời kinh này.

Ba điểm chính trong Sứ Điệp Mùa Chay 2024 (13/02/2024 16:25:42 - Xem: 777)

Xin cho con hỏi nội dung chính của Sứ Điệp Mùa Chay 2024 của Đức Giáo Hoàng Phanxicô gồm những gì?

Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 114 - Đạo “gốc cây” cân đạo “tại tâm” (06/02/2024 07:37:20 - Xem: 365)

Tương tự như dụ ngôn thợ làm vườn nho, dụ ngôn tiệc cưới cũng cho thấy tình yêu thương vô bờ bến Thiên Chúa dành cho con người.

Bí mật của những linh mục đứng vững (31/01/2024 08:31:12 - Xem: 552)

Một Sự Hiện Diện làm nhẹ đi mọi gánh nặng. Một Sự Hiện Diện giúp nâng cao những ngọn núi. Một Sự Hiện Diện có thể làm nên những điều kỳ diệu…

Bài viết mới