KINH TỐI & THÁNH LỄ ONLINE

Lịch sử giáo phận Long Xuyên (bài 7)

  • In trang này
  • Lượt xem: 6,386
  • Ngày đăng: 20/04/2021 22:58:25

LỊCH SỬ GIÁO PHẬN LONG XUYÊN

 

Lời mở đầu

 

Nhân dịp mừng kỷ niệm 60 năm thành lập giáo phận Long Xuyên (1960-2020), chúng ta cùng nhau nghiên cứu và học hỏi về lịch sử giáo phận để thấy những bước tiến, những khó khăn, những nỗ lực, những hy sinh của các bậc cha ông trong việc sống đạo và truyền đạo. Thấy, biết, hiểu, và rồi sẽ sống theo gương cha ông, để đức tin ngày một toả sáng trên vùng đất Cửu Long, nơi giáo phận đã được khai sinh, lớn lên và phát triển.

 

 Sau đây là loạt bài lịch sử giáo phận Long Xuyên, bao gồm những tài liệu xưa và nay, những bài viết về lịch sử và hoạt động tông đồ của giáo phận, v.v.

Vì thời gian, tài liệu và tra cứu có hạn, xin lượng thứ những sai sót và xin giúp đính chính.

 

                                                           Linh mục Mỹ Sơn, Long Xuyên

 

 

BÀI 7

IV. GIÁO PHẬN LONG XUYÊN TRÊN ĐƯỞNG PHÁT TRIỂN[1]

 

Từ ngày thành lập đến nay giáo phận Long Xuyên đủ được 12 tuổi. Nói đến cái tuổi 12, chúng ta tưởng ngay đến các thiếu niên, lứa tuổi chịu lễ bao đồng, tràn đầy ơn Chúa và rất dễ thương! Nhưng đây không phải là một thiếu niên, mà là một giáo phận, chúng ta cần biết hiện tình ra sao? Chúng ta sẽ xét về nhân sự, tổ chức giáo phủ, tổ chức mục vụ, và chương trình cho tương lai.

 

+ Nhân sự. Trên một diện tích 10.158 cây số vuông, sống rải rác 1.558.000 người, thuộc nhiều sắc tộc và tôn giáo; số tín đồ Công giáo là 109.285 người.

 

Giáo phận chia làm 4 giáo hạt:

- Giáo hạt Long Xuyên gồm tỉnh Châu Đốc và An Giang, trừ một phần quận Thốt Nốt, có 36.423 người công giáo với 18 giáo xứ có linh mục thường xuyên; hạt Thốt Nốt có 23.174 người với 15 giáo xứ có linh mục thường xuyên; hạt Kiên Tân có 29.304 tín hữu với 21 giáo xứ có linh mục thường xuyên; hạt Rạch Giá có 20.384 tín hữu với 9 giáo xứ có linh mục thường xuyên.

 

Giáo xứ nào cũng có nhà thờ, nhà cha, nhà trường, bé là sở tiểu học (66), lớn là trung học (20), để phụ lực với Chính phủ bảo đảm nền học vấn và giáo dục cho con em.

 

Ngoài ra, cho được đào tạo kẻ giảng và linh mục, còn có một viện giáo lý với 55 giáo sinh, 2 tiểu chủng viện đệ I và đệ II cấp, với 500 tiểu chủng sinh, 1 đại chủng viện liên giáo phận mới thành lập, với 105 chủng sinh. Tổng kết giáo phận có 500 chủng sinh. 200 đại chủng sinh và 123 linh mục.

 

Thêm vào đó, còn có nhiều tu sĩ nam nữ giúp việc giáo phận: 5 linh mục, 16 nam tu sĩ, 197 nữ tu sĩ.

 

Tuy nhiên số cán bộ đó còn quá ít ỏi đối với công trường mục vụ và truyền giáo còn vô cùng bao la và khó khăn.

 

2/ Tổ chức giáo phủ

 

Làm việc gì cũng phải có tổ chức, và khi có tổ chức đàng hoàng, thì công việc như đã hoàn thành được một nửa. Giáo phủ là như đầu não cho sinh hoạt của toàn giáo phận:

 

a) Trên hết là Toà Giám mục, với Đức Giám Mục chính toà, Đức nguyên Giám mục Lạng Sơn là như một cố vấn là một chuyên viên đặc biệt, rồi đến cha tổng đại diện, cha bí thơ, cha quản lý.

 

b) Sau là hội đồng tư vấn của Đức Giám Mục, kiêm nhiệm cả chức vụ của kinh sĩ hội cho giản tiện. Thành phần gồm 4 cha hạt trưởng đã được các cha bầu cử, cha tổng đại diện và hai cha giám đốc tiểu và đại chủng viện. Phàm những việc quan trọng trong địa phận đều theo giáo luật, phải hay nên bàn hỏi các vị này. Trong giáo phận từ đầu tới nay mọi việc được thông qua rất khả quan.

 

c) Rồi đến HĐLM do Công đồng Vatican đề xướng và bắt buộc, được coi như thượng viện của Đức Giám Mục và đại diện cho các linh mục giáo phận, cho nên gồm các cha sở, cha phó, cha giáo sư, cha tuyên uý và đại diện của các dòng linh mục hoạt động trong giáo phận. Năm nay đã là nhiệm kỳ thứ 2, và hội đồng đã giúp ý kiến rất thiết thực và đắc lực trong việc cai quản giáo phận.

 

d) Hội đồng mục vụ, trước này đã được thiết lập, nhưng xem ra chưa chín mùi, phải đợi cho các giáo xứ đi vào quy củ, rồi có lẽ sẽ trao trách nhiệm mục vụ cho hội đồng giáo dân, cộng tác với hàng giáo sĩ lo việc chăn dắt đoàn chiên Chúa.

 

đ) Toà án giáo phận, gồm những linh mục thông thạo giáo luật và kinh nghiệm mục vụ, để cùng nhau giúp Đức Giám Mục giải quyết các nố khó khăn về hôn phối, vv...

 

e) Hội đồng tài sản, điền địa và kiến thiết có mục đích tìm kiếm và quản trị tài sản giáo phận; lo liệu giấy tờ và thu góp hoa lợi ruộng đất nhà chung; kiểm nhận và đệ trình Đức Giám Mục phê chuẩn các đồ án kiến thiết nhà thờ, nhà cha, trường học và các cơ sở văn hoá, từ thiện, xã hội trong giáo phận. Cơ quan này đang bận rộn sưu tầm hồ sơ về các ruộng đất nhà chung.

 

g) Khi linh mục già yếu hoặc bị tai nạn thì uỷ ban cứu trợ, SASIS, sẽ lo coi sóc giúp đỡ. Quỹ của uỷ ban này do sự đóng góp của các linh mục, sự giúp đỡ của giáo dân và sự tài trợ của Toà Thánh. Hiện giờ, hội đồng linh mục phụ trách ban này.

 

h) Cách riêng lo về đào tạo linh mục tương lai cũng như kẻ giảng cho giáo phận, đã có các tiểu và đại chủng viện, lại có một viện giáo lý và một uỷ ban giáo lý, lo tổ chức các khoá tu nghiệp cho kẻ giảng giáo dân.

 

3/ Tổ chức mục vụ và truyền giáo

 

Để áp dụng việc cải tổ của HĐGM 19-6-71, giáo phận đã quy tụ các hoạt động mục vụ và truyền giáo vào bốn uỷ ban này.

 

a) Uỷ ban phát triển, lo canh tân và thăng tiến đời sống vật chất của người dân theo tinh thần Phúc Âm. Để giúp vào việc đó, có cơ quan bác ái công giáo, ban giáo dục công dân và các hội đoàn chăm lo cách riêng về việc đó, như hội bác ái Vinhsơn, thanh niên thánh nghiệp, thanh lao công, trí thức công giáo và các cán sự gia đình, xã hội, y tế, vv...

 

Mỗi ngành, hằng năm thường có những khoá hội thảo trên bình diện giáo phận, quốc gia và quốc tế.

 

b) Uỷ ban giáo dục, gồm ban học chánh lo về các trường tiểu và trung học công giáo, ban nghiêm huấn lo tổ chức các khoá tu nghiệp hội thảo cho các linh mục tu sĩ và giáo dân, để nền học vấn cũng như đạo đức của họ được luôn luôn cập nhật hoá, ngỏ hầu đáp ứng với sứ mạng của họ trong thế giới ngày nay. Các đoàn thể thuộc uỷ ban giáo dục vừa là thành phần, vừa là trợ tá trong việc giáo dục đó, như TNTT, HTDC, HĐCG, TSC, SVCG, vv...[2]

 

c) Uỷ ban phụng vụ và truyền thông. Ban phụng vụ kiêm Thánh nhạc và nghệ thuật thánh lo thờ phượng Chúa làm sao cho xứng đáng và sinh lợi ích thiêng liêng cho các linh hồn.

 

- Ban truyền thông phải hết sức lợi dụng kỹ thuật tân tiến để lời Chúa được vang dội khắp nơi, từ thành thị cho đến thôn quê, vào các hang cùng ngõ hẻm. Uỷ ban này có một tờ báo nhỏ "Lên Đường", làm tờ thông tin của giáo phận.

 

- Uỷ ban ơn thiên triệu cũng thuộc uỷ ban này, vì sẽ dùng phương tiện truyền thông và sự thờ phượng Chúa mà hô hào người ta hiến thân phụng sự Chúa trong bậc linh mục và tu sĩ.

 

Các chủng viện có thể là môi trường thuận tiện nhất để thực hiện tinh thần phụng vụ.

 

d) Uỷ ban truyền bá Phúc Âm, lo rao giảng lời Chúa cho hết mọi người, nhất là lương dân. Ban này kiêm các tông hội truyền giáo và việc gây quỹ cho Đức Giáo Hoàng, văn phòng các tôn giáo, ban truyền giáo lưu động và các hội đoàn đặc biệt lo việc truyền giáo, như ĐBĐM, LMTT + GĐPT, GT + HM, CĐM, Cursillos, vv...[3]

 

Mục đích của uỷ ban này là làm sao cho người ta có tinh thần truyền giáo và nhiệt thành truyền giáo, cũng như giúp đỡ tinh thần và vật chất cho các nhà truyền giáo và các nơi truyền giáo.

 

Và chương trình Phúc-âm-hoá trong giáo phận Long Xuyên, năm nay sẽ là thu hồi các họ đạo cũ, củng cố các giáo điểm cũ, lập thêm các giáo điểm mới, và đào tạo cán bộ truyền giáo.

 


[1] Bài 7: Trích cuốn “Giáo phận Long Xuyên mười hai tuổi”, do Toà giám mục Long Xuyên xuất bản ngày 30/7/1973, tại Long Xuyên và được chuẩn ấn bởi Đức cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ, giám mục giáo phận Long Xuyên.

[2] TNTT: Thiếu nhi Thánh Thể; HTDC: Hùng Tâm Dũng Chí; HĐCG: Hướng Đạo Công Giáo; TSC: Thanh Sinh Công; SVCG: Sinh Viên Công Giáo.

[3] ĐBĐM: Đạo Binh Đức Mẹ; LMTT: Liên Minh Thánh Tâm; GĐPT: Gia Đình Phạt Tạ; GT: Gia Trưởng; HM: Hiền Mẫu; CĐM: Con Đức Mẹ.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                           

 

Bài cùng chuyên mục:

Giờ Kinh Gia Đình - Thứ Sáu 19/04/2024 (19/04/2024 12:09:48 - Xem: 1)

Giờ kinh Gia đình sẽ được trực tuyến tại Tòa Giám mục Long Xuyên vào lúc 19h00 tối hàng ngày trong tuần.

Giờ Kinh Gia Đình - Thứ Năm 18/04/2024 (18/04/2024 12:12:47 - Xem: 33)

Giờ kinh Gia đình sẽ được trực tuyến tại Tòa Giám mục Long Xuyên vào lúc 19h00 tối hàng ngày trong tuần.

Giờ Kinh Gia Đình - Thứ Tư 17/04/2024 (17/04/2024 12:07:50 - Xem: 35)

Giờ kinh Gia đình sẽ được trực tuyến tại Tòa Giám mục Long Xuyên vào lúc 19h00 tối hàng ngày trong tuần.

Giờ Kinh Gia Đình - Thứ Ba 16/04/2024 (16/04/2024 12:06:50 - Xem: 40)

Giờ kinh Gia đình sẽ được trực tuyến tại Tòa Giám mục Long Xuyên vào lúc 19h00 tối hàng ngày trong tuần.

Giờ Kinh Gia Đình - Thứ Hai 15/04/2024 (15/04/2024 12:08:35 - Xem: 48)

Giờ kinh Gia đình sẽ được trực tuyến tại Tòa Giám mục Long Xuyên vào lúc 19h00 tối hàng ngày trong tuần.

Giờ Kinh Gia Đình - Chúa Nhật 14/04/2024 (14/04/2024 11:02:41 - Xem: 43)

Giờ kinh Gia đình sẽ được trực tuyến tại Tòa Giám mục Long Xuyên vào lúc 19h00 tối hàng ngày trong tuần.

Thánh Lễ dành cho người già, đau bệnh ngày 13/04/2024 (13/04/2024 13:52:26 - Xem: 67)

Thánh lễ Chúa Nhật sẽ được trực tuyến vào lúc 18 giờ Thứ Bảy, ngày 13/04/2024, tại Toà Giám Mục Long Xuyên.

Giờ Kinh Gia Đình - Thứ Bảy 13/04/2024 (13/04/2024 13:51:43 - Xem: 63)

Giờ kinh Gia đình sẽ được trực tuyến tại Tòa Giám mục Long Xuyên vào lúc 19h00 tối hàng ngày trong tuần.

Giờ Kinh Gia Đình - Thứ Sáu 12/04/2024 (12/04/2024 12:09:15 - Xem: 52)

Giờ kinh Gia đình sẽ được trực tuyến tại Tòa Giám mục Long Xuyên vào lúc 19h00 tối hàng ngày trong tuần.

Giờ Kinh Gia Đình - Thứ Năm 11/04/2024 (11/04/2024 12:08:18 - Xem: 52)

Giờ kinh Gia đình sẽ được trực tuyến tại Tòa Giám mục Long Xuyên vào lúc 19h00 tối hàng ngày trong tuần.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7