Tâm linh - Tu đức

Cuộc khổ nạn của Đức Giêsu và sứ vụ linh mục

  • In trang này
  • Lượt xem: 4,193
  • Ngày đăng: 20/04/2021 23:05:56

CUỘC KHỔ NẠN CỦA ĐỨC GIÊSU VÀ SỨ VỤ LINH MỤC

 

Được mời gọi để phục vụ dân Chúa mọi thời, linh mục chúng ta tìm thấy gì trong các trình thuật Khổ Nạn trong Tin Mừng Thánh Marcô và Gioan?

 

 

Tuần Thánh đang đến gần, các Kitô hữu trên khắp thế giới sẽ nghe hai trình thuật Khổ Nạn khác nhau – trình thuật của Thánh Marcô vào ngày Lễ Lá và của Thánh Gioan vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Đối với bốn Tin Mừng, cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu là điểm cuối và điểm đỉnh trong trình thuật của mình, nhưng mỗi tường thuật lại khác nhau và phản ảnh những điểm nhấn và sắc thái về chân dung toàn diện của Đức Giêsu nơi các Tác giả Tin Mừng.

 

Cái chết ban sự sống của Đức Giêsu nằm ở trung tâm đức tin Kitô giáo của những người theo Đức Giêsu, bất kể vai trò và vị trí của họ trong Giáo Hội. Song chúng ta có thể hỏi rằng khi suy tư về cuộc khổ nạn của Đức Giêsu qua lăng kính của hai Tin Mừng này, điều đó có ý nghĩa gì đối với những ai được kêu gọi đến với sứ vụ chức linh mục? Chúng có ý nghĩa gì trong thời gian này?

 

Tôi ngờ rằng có phải nhiều người trong chúng ta nhớ đến năm mà ta vừa trải qua: ngọn roi đại dịch quất lên toàn thế giới; vết thương phân biệt chủng tộc lở ra và những hỗn loạn xung đột phát sinh; lý luận chính trị đầy những chia rẽ và tranh luận công khai thô bạo; sự khó khăn về kinh tế trên khắp mặt trận – bảng liệt kê có thể kéo dài ra. Đối với chúng ta là những linh mục, vết sẹo của cơn khủng hoảng lạm dụng trong Giáo Hội vẫn còn gây đau đớn và hiện giờ là tác động của giãn cách xã hội đang làm héo mòn nhiều giáo xứ và cộng đoàn. Ngôn sứ Giêrêmia và những than vãn không nguôi đang ở đâu khi chúng ta cần đến ông?

 

Những trình thuật về sự đau khổ của Đức Giêsu mà chúng ta nghe trong Mùa Chay này sẽ không rơi vào trống không mà với một trạng thái khác hơn với những năm trước.

 

Tin Mừng Marcô – Cuộc Khổ Nạn của Đức Giêsu và khủng hoảng tông đồ tính.

Cách đây trên một thế kỷ, một học giả Kinh Thánh người Đức trứ danh đã nói rằng Tin Mừng Marcô là “trình thuật khổ nạn với phần dẫn nhập dài”. Hầu hết các nhà chú giải đều tin rằng Tin Mừng Marcô được viết cho cộng đoàn Kitô hữu ở Rôma, một cộng đoàn đang quay cuồng trong cuộc bách hại tàn khốc dưới thời Hoàng đế Nêrôn vào cuối thập niên 60 của thế kỷ đầu tiên.

 

Chắc hẳn, đã có những Kitô hữu anh hùng trong cộng đoàn ấy đã hy sinh mạng sống để làm chứng cho đức tin. Nhưng cũng có lý do để tin rằng đã có những người thất bại mà trong thời gian hiểm nguy đã che giấu căn tính Kitô hữu của mình vì sợ.

 

Tin Mừng Marcô dường như ám chỉ đến điều này trong giải thích của Đức Giêsu về dụ ngôn người gieo giống khi diễn tả số phận của hạt giống rơi vào đất sỏi: “Còn những kẻ được gieo trên sỏi đá là những kẻ khi nghe lời thì liền vui vẻ đón nhận, nhưng họ không đâm rễ mà là những kẻ nông nổi nhất thời; sau đó, khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì lời, họ vấp ngã ngay”(Mc 4,16-17).

 

Có một sự cường độ mạnh trong mô tả của Marcô về sứ mệnh của Đức Giêsu mà cuối cùng đưa đến cuộc khổ nạn của Ngài. Đức Giêsu không ngớt thi hành sứ vụ chữa lành và trừ quỷ - giải thoát con người khỏi thế lực tàn phá của ma quỷ dưới mọi hình thức của nó: làm dịu cơn điên của người bị quỷ nhập ở hội đường Capharnaum; dập tắt cơn sốt trí mạng của bà nhạc ông Simon; chữa lành người cùi bị cách ly khỏi thành phố vì sợ lây nhiễm; tha thứ tội lỗi và chữa lành thân xác của người bại liệt được bạn bè hạ cáng nằm từ trên mái nhà xuống căn phòng nơi Đức Giêsu đang rao giảng; phục hồi cánh tay khô bại cho người đàn ông vào ngày Sabát; cứu chữa người đàn bà bị loạn huyết đã 12 năm; đưa đứa con gái của ông Giaia khỏi bờ vực tử thần và bảo ai đó cho em ăn; chữa lành đứa con gái của người phụ nữ Syrô-Phênici vì lòng tin của mẹ em; chữa lành ông mù Bartimê ăn xin bên vệ đường. Bảng liệt kê có thể kéo dài ra. Thêm vào đó, những hành động đầy kịch tính của Đức Giêsu khi nuôi ăn đám đông đi theo Ngài, và làm sóng biển lặng yên cứu các môn đệ hoảng sợ.

 

Marcô hiểu sứ mệnh của Đức Giêsu là một phục vụ yêu thương - diakonia - và khẳng định rằng cuối cùng sứ mệnh có tính gây hấn này, ưu tiên trên hết mọi nhiệm vụ khác, sẽ nhanh chóng làm cho các giới thẩm quyền chống đối Đức Giêsu và cuối cùng đưa Ngài đến cái chết. Chính lời của Đức Giêsu khẳng định điều đó: “Vì Con Người đến không phải để được phục vụ mà để phục vụ và trao ban sự sống làm giá cứu chuộc cho nhiều người” (Mc 10,45). Cái chết của Đức Giêsu là sự tuôn đổ cuối cùng thần khí của Ngài, sự sống cho tha nhân – và là sự sống mà Thiên Chúa chấp nhận và canh tân cho nó thêm phong phú.

 

Sự tương phản giữa mẫu gương Đức Giêsu với mẫu gương của các môn đệ rất đáng chú ý trong trình thuật Marcô. Họ được đặc ân làm môn đệ, được mời gọi “đi theo Ngài” và chia sẻ sứ mệnh “đánh lưới người” của Ngài. Thật khó có cảnh nào trong Tin Mừng mà không có các môn đệ; thật vậy, họ thường ở riêng với Đức Giêsu và lãnh nhận giáo huấn đặc biệt của Ngài. Và Đức Giêsu hứa với họ được gấp trăm lần vào thời đại sắp đến.

 

Nhưng sự nhấn mạnh đáng chú ý trong phác họa của Marcô là sự mong manh, yếu đuối và thậm chí thất bại đến nhu nhược của các môn đệ Đức Giêsu. Trong suốt sứ vụ của Ngài, các môn đệ chật vật để hiểu Đức Giêsu: họ không hiểu các dụ ngôn của Ngài; họ không hiểu việc Ngài nuôi ăn đám đông (“Hãy bảo họ đi đến các làng lân cận”; “Chúng con phải đi mua đến hai trăm đồng bạc bánh để nuôi đám đông này sao?”); Phêrô, Giacôbê, Gioan và cả nhóm hoàn toàn không hiểu những lời tiên báo lập lại nhiều lần của Đức Giêsu về sự đau khổ của Ngài – Phêrô trách Đức Giêsu vì đã nói như vậy; Giacôbê và Gioan tìm kiếm vị trí quyền lực trong nước Ngài trong khi Đức Giêsu nói về tính khiêm nhượng; tất cả họ tranh luận xem ai là người “lớn nhất” vào thời điểm mà Đức Giêsu nói về sự đau khổ Ngài đang đối mặt.

 

Không mấy ngạc nhiên khi sau sứ vụ tại Galilê, Đức Giêsu không giữ được kiên nhẫn nữa: “Anh em chưa hiểu chưa thấu sao? Lòng anh em ngu muội thế! Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư? Anh em không nhớ sao: khi Thầy bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu thúng đầy mẩu bánh? " Các ông đáp: "Thưa được mười hai." "Và khi Thầy bẻ bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu giỏ đầy mẩu bánh? " Các ông nói: "Thưa được bảy." Người bảo các ông: "Anh em chưa hiểu ư? "Anh em không hiểu gì sao” Lòng dạ anh em cứng đến thế sao? Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe được sao?” (Mc 8,17-21).

 

Sự không hiểu ngày càng thăng hạng của các môn đệ - mà Tin Mừng đã gán cho họ nhãn hiệu “sự chai cứng của tâm hồn” – đã đi đến biểu hiện cuối cùng trong cuộc khổ nạn của Đức Giêsu. Một trong nhóm Mười Hai là Giuđa đã phản bội Ngài. Ba môn đệ được chọn để đồng hành cùng với Ngài trong lời cầu nguyện thất vọng ở vườn Giếtsêmani, họ đã ngủ. Khi toán vũ trang đến để bắt Ngài thì tất cả các môn đệ đều chạy trốn, gồm cả người môn đệ chạy trần truồng và hoảng sợ, bỏ rơi cả áo quần trong tay những kẻ đến bắt Ngài.

 

Nhưng vẫn còn lại một môn đệ - Phêrô, người đầu tiên được gọi và là phát ngôn viên cho những người còn lại đi theo Đức Giêsu. Ông nấn ná trong sân vị thượng tế chỉ để chối bai chối bãi rằng mình chẳng biết ông Giêsu nào cả khi bị cô tớ gái hạch hỏi. Đức Giêsu đã tiên báo điều tệ hại này vào Bữa ăn tối cuối cùng. “Tất cả anh em sẽ vấp ngã, vì Kinh Thánh đã chép: Ta sẽ đánh người chăn chiên, và chiên sẽ tan tác. Nhưng sau khi trỗi dậy, Thầy sẽ đến Galilê trước anh em." Ông Phêrô liền thưa: "Dầu tất cả có vấp ngã đi nữa, thì con cũng nhất định là không." Đức Giêsu nói với ông: "Thầy bảo thật anh: hôm nay, nội đêm nay, gà chưa kịp gáy hai lần, thì chính anh, anh đã chối Thầy đến ba lần." Nhưng ông Phêrô lại nói quả quyết hơn: "Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy". Và Tin Mừng Marcô ghi chú thêm: “Tất cả các môn đệ cũng đều nói như vậy” (14,31).

 

Trong trình thuật Marcô, không một môn đệ nào được Đức Giêsu chính thức chọn đã ở bên cạnh Ngài vào thời khắc đau khổ và đối mặt với cái chết. Tác giả Tin Mừng ghi chú rằng có vài phụ nữ đứng xa xa. Ông mô tả họ “trung thành” với Đức Giêsu – “đi theo” Ngài và “phục vụ” Ngài ở Galilê, “lên Giêrusalem với Ngài”.

 

Trong trình thuật của Marcô, cộng đoàn các môn đệ rõ ràng đã được Đức Giêsu kêu gọi và ủy thác chia sẻ sứ vụ chữa lành của Ngài nhưng đã rơi rụng cách công khai và thê thảm trước sự đau khổ và đe dọa của cái chết.

 

Đối với Tin Mừng Marcô, sự phục sinh của Đức Giêsu cũng là một thời khắc hòa giải. Các môn đệ đã bỏ rơi Đức Giêsu nhưng không bị Ngài bỏ rơi. Họ sẽ gặp lại Ngài ở Galilê, nơi họ được chọn lựa đầu tiên và bắt đầu sứ vụ chữa lành của Ngài.

 

Đây là trình thuật buồn mà chúng ta sẽ nghe trong ngày Chúa Nhật Lễ Lá. Một câu chuyện buồn, như rốt cuộc đó là câu chuyện đầy hy vọng về sự sống mới, một trình thuật đồng cảm với sự yếu đuối nhân sinh, một câu chuyện hòa giải và canh tân. Sự hồi phục một cộng đoàn các môn đệ đã làm Đức Giêsu thất vọng song cũng đã kinh nghiệm được cú chạm chữa lành của Ngài và, dù buồn hơn nhưng hiểu biết hơn, sẽ được mời gọi lần nữa để lãnh lấy sứ mệnh của Ngài.

 

Tin Mừng Gioan – Khổ Nạn của Đức Giêsu như Tình Yêu Thiên Chúa dành cho Thế Gian

Vào thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta sẽ nghe trình thuật Khổ Nạn theo Tin Mừng Thánh Gioan. Đây vẫn là câu chuyện về sự đau khổ của Đức Giêsu nhưng bầu khí tương phản sâu sắc với trình thuật của Marcô. Vâng, Đức Giêsu bị một toán vũ trang đến bắt, Ngài bị giới thẩm quyền tôn giáo và quan tổng trấn Philatô tra vấn; Ngài bị đám lính lăng mạ và hành hạ; Ngài bị dẫn lên đồi Sọ và bị đóng vào thập giá; Ngài chết thật sự.

 

Tuy nhiên, qua trình thuật của Gioan, ta cảm thấy một cảm giác nghịch lý về sự chiến thắng qua suốt câu chuyện bi thương này. Khi toán vũ trang đến bắt Đức Giêsu trong vườn Cây Dầu, họ đã ngã xuống đất, bất lực khi Đức Giêsu danh hiệu Thiên Chúa của mình: “Ta đây”; các môn đệ không sợ hãi trốn đi, đúng hơn là Đức Giêsu bảo họ cứ tự do mà đi; Đức Giêsu dường như đã đảo ngược tình huống đối với những kẻ tra vấn Ngài, làm vị thượng tế hoang mang và làm sợ hãi ông quan Rôma, Philatô; cuộc Đóng Đinh của Ngài có vẻ như là một bức tranh hoàng tộc – trên đầu Đức Giêsu là thân thế của Ngài được viết bằng nhiều ngôn ngữ “Vua dân Do Thái”; người môn đệ yêu dấu và mẹ Ngài là Đức Maria đứng canh chừng bên cạnh Ngài, và vào lúc chết, cây giáo của tên lính làm chảy ra “máu và nước” – những biểu tượng của Thánh Thần Thiên Chúa trong Tin Mừng Gioan.

 

Trình thuật Khổ Nạn của Gioan công bố rằng tình yêu mạnh hơn sự chết – đây là chủ đề cơ bản của toàn bộ Tin Mừng này. Trong diễn từ đầu tiên của Tin Mừng này, Đức Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể, đã khẳng định mục đích tối hậu được Thiên Chúa trao ban, một trong những câu thường được trích dẫn nhất trong toàn bộ Tân Ước: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3,16-17).

 

Trong suốt Tin Mừng, sứ mệnh của Đức Giêsu là tỏ bày tình yêu cứu rỗi của Thiên Chúa bằng lời nói và “dấu hiệu” – hạn từ của Gioan để nói về những phép lạ mạc khải của Đức Giêsu. Diễn từ của Đức Giêsu trình bày mình như là nước hằng sống, bánh hằng sống, ánh sáng thế gian, Mục tử Nhân lành, là Cổng, là Đường đi và là Sự thật, là sự phục sinh và sự sống. Những dấu hiệu của ngài tỏ lộ tình yêu chữa lành của Thiên Chúa: chữa lành con của viên sĩ quan cận vệ nhà vua ở Capharnaum; ban sự sống và lòng can đảm cho một người nằm bất động bên hồ Bétsaiđa trong vòng 38 năm; mở mắt cho người mù từ khi mới sinh ở hồ Silôê; tặng ban sự sống cho người bạn Lazarô ở Bêtani. Và những cử chỉ khác nói lên sự tôn trọng và nhạy cảm trước những nỗi khó khăn của con người: cứu đôi tân hôn khỏi bối rối tại đám cưới ở Cana; cuộc nói chuyện vừa nghiêm vừa đùa với người phụ nữ bên giếng ở Samari; bảo vệ người phụ nữ khỏi sự ô nhục vì bị cáo buộc cách công khai và thô bạo tội ngoại tình; chấp nhận sự tôn kính của Maria làng Bêtani, người xức dầu thơm và dùng tóc lau khô chân ngài.

 

Trong lý luận nghịch lý của Tin Mừng Gioan, cái chết của Đức Giêsu trở thành dấu hiệu cuối cùng của tình yêu Thiên Chúa dành cho thế gian. Ngài đã loan báo điều này tại bữa ăn tối cuối cùng với các môn đệ: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (15,13). Tất cả những lời nói và dấu hiệu của Đức Giêsu đều có động cơ là tình yêu, cái chết hy tế của Ngài cũng vậy.

 

Khi cùng với các môn đệ tụ hợp lại vào trước ngày Đóng Đinh, người kể chuyện của Tin Mừng khẳng định điều ấy cách dứt khoát: “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (13,1-2).

 

“Đến cùng”, từ “cùng” mà Thánh Gioan sử dụng trong tiếng Hy Lạp là telos, nghĩa là “kết thúc”, hay “mục đích” hay “hoàn tất.” Vào thời điểm cái chết của Đức Giêsu trong trình thuật Gioan, Đức Kitô chịu đóng đinh nhưng là người chiến thắng đã công bố: “đã hoàn tất” – lập lại cũng một từ gốc ấy (telos) trong hình thức động từ: tetelestai. “Công việc” của Ngài – sứ mệnh được Thiên Chúa trao ban để mạc khải tình yêu vô hạn của Thiên Chúa dành cho thế gian – được tỏ bày trong quà tặng tình yêu thuyết phục nhất hơn bất cứ ai có thể ban tặng, hiến dâng mạng sống mình để cứu người khác. “Không tình yêu nào lớn hơn tình yêu này …”

 

Cuộc Khổ Nạn của Đức Giêsu trong thời đại chúng ta

Hai trình thuật Tin Mừng mà chúng ta sẽ nghe trong Tuần Thánh này đưa ra những tương phản mạnh mẽ, đặc biệt trong thời gian này khi thế giới của chúng ta dường như bị lung lay và bất an. Là những linh mục được kêu gọi để phục vụ dân Chúa trong thời gian này, ta có thể tìm được gì trong những câu chuyện Khổ Nạn này? Sự phục vụ của người linh mục được biểu lộ trong việc dẫn dắt các cộng đoàn đức tin; cố gắng lôi kéo các Kitô hữu lại cùng với nhau trong tình yêu và sự phục vụ mà Đức Giêsu khuyến cáo; thúc giục các Kitô hữu hướng mắt nhìn đến thế giới đang bị thương tích và đem đến cho nó sự chữa lành và hòa bình; làm chứng cho đức tin khi chúng ta hướng dẫn cộng đoàn cầu nguyện và chủ tọa Thánh Lễ, ưu tiên cho việc rao giảng Lời Chúa bằng nhiều cách, đứng trước dân Chúa như là một tội nhân, đồng thời mời gọi họ kinh nghiệm Bí tích Hòa Giải.   Khi xem xét nhiều cách thức và nhiều hoàn cảnh khác nhau rằng những linh mục chúng ta được mời gọi để thi hành sứ vụ, cuộc khổ nạn của Đức Giêsu có ý nghĩa gì đối với chúng ta trong thời khắc này?

 

Từ bức chân dung các môn đệ lầm lỗi của Đức Giêsu trong Tin Mừng Marcô, ta được nhắc nhớ rằng mình được đặc quyền nhưng cũng có những sai phạm. Trong lần phỏng vấn đầu tiên với tư cách giáo hoàng, một nhà báo hỏi Đức Phanxicô rằng: “Đức giáo hoàng Phanxicô thật sự là ai?”. Câu trả lời ngay lập tức của ngài là” Tôi là một tội nhân”. Không có sự giả dối ở đây, nhưng là sự nhìn nhận tính con người của mình. Cá nhân và tập thế, chúng ta cũng được mời gọi nhìn nhận rằng mình cần được chữa lành và tha thứ.

 

Thư gởi các tín hữu Êphêsô nói về Giáo Hội khải hoàn là “không tỳ ố, không vết nhăn” (5,27), nhưng như chúng ta đau đớn biết được trong một vài năm vừa qua, chúng ta chưa đạt được đến đó! Đối với chúng ta hiện giờ, khiêm nhường đích thực vẫn là điều thích hợp.

 

Khi phác họa những môn đệ đầu tiên của Đức Giêsu bằng những hạn từ quá đỗi nhân loại, Marcô cũng mời gọi chúng ta nên trong sáng và chân thật. Là những tội nhân, chúng ta phải cư xử với nhiều lòng thương cảm đối với những người mà ta phục vụ. Không cao ngạo. Không chỉ trích hay xét đoán. Sự tử tế và lòng thương xót phải là những mẫu gương cho các môn đệ khi suy niệm về trình thuật Khổ Nạn trong Tin Mừng Marcô.

 

Và nếu phác họa của Marcô về các môn đệ của Đức Giêsu không nhắm mắt trước những thất bại của họ, thì nó cũng không im tiếng về quyền năng của Phục Sinh. Qua tình yêu Thiên Chúa, chúng ta được chữa lành và phục hồi sứ vụ. Niềm hy vọng của chúng ta phải mạnh mẽ và lan tỏa.

 

Và trình thuật Khổ Nạn của Tin Mừng Gioan nhắc nhớ rằng rốt cuộc ta đứng trên nền tảng nào, là những người đi theo và là linh mục của Thiên Chúa. Thiên Chúa ta phục vụ, Thiên Chúa ta loan báo, Thiên Chúa mời gọi ta làm người, là Thiên Chúa của tình yêu không phân biệt và vô hạn. Chia sẻ sứ mệnh của Đức Giêsu được phác họa trong Tin Mừng Gioan đó là yêu thương thế gian, ngay cả khi ta thận trọng với những đe dọa của nó. Tình yêu Thiên Chúa sẽ nâng đỡ chúng ta cho “đến cùng”. Và cứ làm hết khả năng mình trong những nỗ lực yếu kém của chúng ta, đó là điều mà các linh mục chúng ta được mời gọi để làm chứng và loan báo cho đoàn dân của mình.

 

Cuối cùng, thật đáng chú ý khi những chủ đề khóa của câu chuyện Khổ Nạn trong Tin Mừng Marcô và Gioan thật rõ ràng trong trình thuật Bữa ăn tối cuối cùng – nền tảng Kinh Thánh của Thánh Lễ là trung tâm đời sống linh mục của chúng ta. Ở đây, Đức Giêsu nhắc các môn đệ rằng thân thể Ngài bị bẻ ra vì họ và máu Ngài đổ ra cho họ. Ở đây họ được hứa rằng dù có những thất bại của mình thì Đức Giêsu vẫn sẽ chữa lành và canh tân môn đệ tính của họ. Ở đây trong câu chuyện rửa chân của Tin Mừng Gioan, chúng ta được nhắc nhớ rằng mình được kêu gọi để phục vụ chứ không phải được phục vụ. Và ở đây, trong lời từ biệt của Đức Giêsu với các môn đệ, Ngài nhắc chúng ta nhớ rằng không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của Ngài dành cho chúng ta.

Tác giả: Lm. Donald Senior, C.P.
Giáo sư Tân Ước, Catholic Theological Union in Chicago
Chuyển ngữ: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính

Nguồn: gpquinhon.org

 

 

Bài cùng chuyên mục:

Năm cách đơn giản để Tuần Thánh trở nên thánh thiện hơn (24/03/2024 05:17:31 - Xem: 382)

Với 5 cách thế đơn giản trên đây, khi được thực hiện với lòng chân thành và quyết tâm, chắc chắn, chúng ta sẽ cảm nghiệm được tình yêu tha thứ, tình yêu cứu độ...

Khi đóa hoa đã bừng nở hết (23/03/2024 07:17:24 - Xem: 168)

Như đóa hoa tạo ra hạt giống trong chính hành động chết đi, chúng ta cũng có tiềm năng sinh sôi nhất sau khi sự bừng nở, nhường bước cho màu xám của tuổi già.

Già đi như một tu viện tự nhiên (12/03/2024 08:20:37 - Xem: 404)

Quá trình già đi chính là một tu viện tự nhiên. Nếu sống đủ lâu, cuối cùng quá trình già đi sẽ biến tất cả mọi người thành tu sĩ.

Cầu nguyện bằng thánh vịnh (28/02/2024 06:43:07 - Xem: 285)

Một trong những định nghĩa kinh điển về cầu nguyện là “nâng tâm trí và tâm hồn lên cùng Thiên Chúa”. Đơn giản, rõ ràng, chính xác.

Đêm tối ngõ cụt (24/02/2024 10:48:58 - Xem: 379)

Thiên Chúa có thể đi vào cuộc sống chúng ta một cách thuần khiết, không chút ô nhiễm khi chúng ta đang ở ngõ cụt, không thể lấy tầm nhìn của mình để thay thế tầm nhìn của Thiên Chúa.

Khi chúng ta chống nhau (15/02/2024 09:43:03 - Xem: 497)

Có thể yêu thương người ghét mình không? Có thể làm việc thiện với người muốn làm việc ác với mình không? Có thể tha thứ cho người ngược đãi mình không?

Định luật hấp dẫn và Chúa Thánh Thần (08/02/2024 09:58:58 - Xem: 360)

Có người từng nói, dị giáo là một thứ đúng chín phần mười. Vấn đề của chúng ta với Thánh Thần cũng vậy.

Linh đạo của thánh Eugene de Mazenod (31/01/2024 07:58:25 - Xem: 295)

Triết gia Soren Kierkegaard từng nói, làm thánh là chỉ muốn một điều. Eugene de Mazenod rõ ràng đã làm như vậy, và trong trường hợp của ngài, điều đó có nhiều khía cạnh...

Cha Wilfrid Stinissen giải thích về đêm tối thiêng liêng (24/01/2024 10:10:17 - Xem: 378)

Người ta có thể sống, từ trái đất này, sự chuẩn bị tuyệt vời này cho cuộc sống trên thiên đàng và thấy trước, ngay cả trước khi chết, những niềm vui trên Thiên Đàng!

Ngoan đạo và hài hước (16/01/2024 05:47:20 - Xem: 487)

Sinh lực hài hước không phải là cản trở với lòng đạo. Ngược lại là đàng khác. Chúa Giêsu mẫu mực của những gì là nhân bản lành mạnh, và chắc chắn Ngài là một người vui vẻ,

Bài viết mới