Bạn trẻ - Giáo dục - Ơn gọi

Con tim rung động

  • In trang này
  • Lượt xem: 5,082
  • Ngày đăng: 15/10/2021 10:02:21

CON TIM RUNG ĐỘNG

 

Một con tim biết rung động sẽ là điều kiện đầu tiên và thiết yếu cho việc xây dựng tương quan với Thiên Chúa. Có rất nhiều lý do khiến con tim ta loạn nhịp đập. 

 

 

Mọi cuộc tình đều bắt đầu từ những rung động tinh tế nhất của con tim. Tác nhân có thể là ánh mắt, nụ cười, hành vi cử chỉ hay một lời nói trầm ấm. Như mồi lửa bắt đầu được nhen nhúm, sự rung động nhẹ nhàng ấy tiếp tục được ấp ủ, nuôi dưỡng và gìn giữ cách trân trọng để rồi tới một thời điểm nào đó người ta rơi vào trạng thái yêu lúc nào chẳng hay. Như vậy, nếu không có sự bắt đầu dù là nhỏ bé ấy thì không thể có hoa trái tình yêu được. Nói cách khác, nếu con tim ta không biết rung động trước một đối tượng nào đó thì ta sẽ chẳng có cơ may xây đắp lâu đài tình ái với họ.

 

Thiết nghĩ nguyên tắc trên cũng được áp dụng trong tương quan giữa con người với Thiên Chúa. Nhiều người mặc định rằng chỉ những linh mục tu sĩ hay những người được cho là đạo hạnh mới có đời sống thiêng liêng sâu sắc, số còn lại không bao giờ có kinh nghiệm về Thiên Chúa. Điều này hoàn toàn không đúng. Sự thật là tất cả mọi người đều có kinh nghiệm về Thiên Chúa theo cách này hay cách khác. Thậm chí ngay cả những người tuyên bố là vô thần hoặc không tin vào Thiên Chúa của Kitô giáo, họ vẫn không thể chối bỏ được kinh nghiệm về một thực tại siêu việt bên ngoài giới hạn của con người.

 

Từ cổ chí kim, từ đông sang tây, từ nhà bác học cho đến người thất học, không ai có thể tránh khỏi các câu hỏi tra vấn về nguồn gốc và cùng đích của vũ trụ, về đau khổ ở đời này hay về thực tại đằng sau cái chết. Con người sẽ mãi không ngừng thao thức tìm kiếm, hay nói đúng hơn là họ sẽ luôn phải đối diện với những vấn đề không có lời giải đáp cuối cùng. Đó chính là lý do vì sao con tim chúng ta dễ dàng rung động trước những tín hiệu của thế giới tâm linh. Thế giới tâm linh ở đây không hẳn là những gì huyền bí hay ma thuật. Đúng hơn, đó chỉ là cách nói diễn tả mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa. Đời sống tâm linh là một chiều kích khác của thực tại đời này chứ không phải là một thế giới khác. Theo đó, con người biết nhận ra và diễn tả lòng yêu mến Thiên Chúa không phải qua kinh nghiệm xuất thần mà là qua những biến cố cụ thể xảy ra hằng ngày trong đời sống của mình.

 

Một con tim biết rung động sẽ là điều kiện đầu tiên và thiết yếu cho việc xây dựng tương quan với Thiên Chúa. Có rất nhiều lý do khiến con tim ta loạn nhịp đập. Đó có thể là sự mất mát đau thương của chính mình hay của đồng loại. Đó có thể là nỗi niềm bức xúc và căm phẫn khi chứng kiến cảnh bạo lực, bất công diễn ra trong xã hội. Đó có thể là sự choáng ngợp khi đứng trước vẻ đẹp của tự nhiên. Đó có thể là thái độ cảm phục trước tinh thần quảng đại hy sinh của người khác. Đó có thể là sự ngưỡng mộ khi thấy ai đó có khả năng đặc biệt. Đó cũng có thể là niềm vui sâu xa khi vô tình đọc hay nghe được một lời dạy thấm thía. Và đó còn có thể là niềm sung sướng tột độ khi đạt được điều mình ao ước. Trong những tình huống như thế, một cách vô thức, người ta thường thốt lên: “Lạy Chúa tôi!” hay là “Ôi trời ơi!”. Con người ý thức được rằng có một điều gì đó vượt ngoài tầm kiểm soát của mình. Chúng ta gọi đó là kinh nghiệm siêu việt. Dù có tin vào Chúa hay không, người ta phải thừa nhận rằng nguồn gốc của những kinh nghiệm siêu việt không thể đến từ con người.

 

Khi bàn về kinh nghiệm nói chung và kinh nghiệm siêu việt nói riêng, chúng ta cần phân biệt giữa “kinh nghiệm trực tiếp” và việc “phản tỉnh” về kinh nghiệm đó. Hai bước này dù khác biệt nhưng không hề tách rời nhau. “Kinh nghiệm trực tiếp” liên hệ đến hoàn cảnh mà một người trải qua, còn việc “phản tỉnh” nói lên ý nghĩa của kinh nghiệm đó đối với họ. Con người ta có kinh nghiệm khác nhau không chỉ vì họ trải qua những hoàn cảnh khác nhau mà còn vì họ có thái độ phản tỉnh khác nhau về cùng một tình huống. Ví dụ như có hai người sinh ra trong cùng một hoàn cảnh nghèo khó như nhau, nhưng một người thì chỉ biết than trách số phận, còn người kia thì cố gắng phấn đấu để vươn lên. Tương tự, có một nhóm người leo lên tới đỉnh núi cao, ai cũng có kinh nghiệm trực tiếp về khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Tuy nhiên, trong số họ có người liên hệ đến thân phận nhỏ bé của con người, có người nhận ra sự sắp đặt kỳ diệu của bàn tay tạo hóa, còn có người thì chỉ thấy khung cảnh đẹp, khoan khoái trong lòng vậy thôi.

 

Không phải “kinh nghiệm trực tiếp” nhưng chính việc “phản tỉnh” về kinh nghiệm mới là con đường dẫn dắt con người đến với Thiên Chúa. Với kinh nghiệm siêu việt, người ta liên tục đặt ra những câu hỏi “tại sao” và thao thức tìm kiếm lời giải đáp. Chính trong nỗ lực tìm kiếm đó mà con người gặp được Thiên Chúa, hay nói đúng hơn là họ nhận ra Thiên Chúa đang hiện diện trong cuộc đời mình. Thật vậy, khi con người biết phản tỉnh về một kinh nghiệm siêu việt nào đó đủ sâu, họ sẽ nhận thấy một sự thay đổi đáng kể. Thực tại bên ngoài không hề thay đổi, sự thay đổi đến từ cách nhìn của con người về thực tại đó. Nói cách khác, thế giới vẫn vậy nhưng nó mang một ý nghĩa mới qua kinh nghiệm phản tỉnh của con người.

 

Sự thay đổi như thế thường xảy ra qua một biến cố bước ngoặc trong đời. Ví dụ, một đứa con ăn chơi lêu lỏng bỗng trở nên chí thú làm ăn và biết gánh vác việc gia đình sau khi bố hoặc mẹ mất. Sau cơn bệnh thập tử nhất sinh thì một người tham lam ích kỷ bỗng biết sống yêu thương sẻ chia với người khác nhiều hơn trước. Hoặc một người khô khan nguội lạnh trong đời sống đức tin lại trở nên sốt mến lạ thường sau chuyến du lịch Đất Thánh. Trong những trường hợp như vậy, chắc chắn đương sự đã trải qua một kinh nghiệm siêu việt nào đó khiến họ thay đổi cách nhìn hay thái độ sống của mình. Chúng ta gọi đó là kinh nghiệm hoán cải.

 

Thánh I Nhã là một trong những người có kinh nghiệm hoán cải đó. Trong thời gian dưỡng thương ở lâu đài Loyola, ngài muốn tìm sách đọc như một cách giết thời gian nhàn rỗi và nhàm chán. Tuy nhiên, khi đọc đến câu chuyện kể về các vị thánh thì con tim của ngài đã rung động. Quan trọng hơn, thánh I Nhã đã không dừng lại ở rung động nhất thời mà ngài đã dành thời gian để phản tỉnh về tác động của kinh nghiệm đó đến mình. Ngài so sánh những cảm xúc có được khi suy nghĩ về việc phục vụ Chúa theo gương các vị thánh với những cảm xúc khi nghĩ đến việc chinh phục một tiểu thư quý phái để rồi phân biệt điều nào đến từ Thiên Chúa, điều nào đến từ ma quỷ. Chính kinh nghiệm có được và việc phản tỉnh về kinh nghiệm đó đã thôi thúc thánh I Nhã tìm kiếm ý Chúa trong những biến cố tiếp theo trong cuộc đời ngài.

 

Thiên Chúa đã tạo ra con người với con tim biết rung động trước những dấu chỉ có thể dẫn chúng ta đến với Ngài. Do vậy chúng ta hãy để ý đến những chuyển động nội tâm dù là nhỏ bé nhất, vì đó có thể là sự khởi đầu của một kinh nghiệm thiêng liêng sâu sắc. Đừng coi thường những câu hỏi bất chợt hiện ra trong đầu mình như “Không hiểu sao có người tài đến thế?”, “Không biết làm thế nào mà có cảnh đẹp đến như vậy?”, “Không biết điều gì đã khiến người ta hy sinh quảng đại như thế?”… Và cùng đừng ngần ngại đặt ra những vấn đề từ lâu chúng ta thường băn khoăn trăn trở như “Tôi sinh ra ở đời này để làm gì?”, “Rồi sẽ đi về đâu?”, “Làm sao để có được hạnh phúc?”… Thậm chí những câu hỏi kiểu như “Tại sao Chúa lại để điều này xảy ra?” hay “Tại sao người tốt lại gặp phải nhiều bất hạnh như thế?” không hề là sự chối bỏ niềm tin vào Thiên Chúa. Ngược lại, đó là những rung động của con tim giúp kết nối con người với thực tại vượt quá giới hạn hiểu biết của của con người. Chính khi đó, Chúa sẽ tỏ mình ra cho con người theo cách Ngài muốn.

 

Giuse Lê Đắc Thắng, SJ(dongten.net)

Bài cùng chuyên mục:

Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 117 – Người Công giáo làm từ thiện (28/03/2024 08:04:04 - Xem: 35)

Nếu bản thân chúng ta hay cộng đoàn nơi chúng ta sinh sống còn ít thực thi bác ái, có nghĩa là chúng ta chưa sống đúng với ơn gọi của người Kitô hữu.

Nói gì với những người trẻ không còn cần đến Thiên Chúa nữa? (24/03/2024 08:33:54 - Xem: 262)

Đức tin chỉ lớn lên khi luôn khao khát nó: các tông đồ cầu xin Chúa : “Xin gia tăng đức tin cho chúng con” (Lc 17, 5).

Hãm mình để nâng dậy tâm hồn (13/03/2024 08:03:14 - Xem: 309)

Theo truyền thống tốt lành của Giáo hội, để vươn đến nhân đức nhanh hơn, hãm mình là cần thiết: ăn chay, đánh tội, từ bỏ ý riêng, khiêm nhường.

Cầu nguyện Mùa Chay có gì khác? (04/03/2024 07:13:00 - Xem: 309)

Con biết Mùa Chay là Mùa của cầu nguyện. Con nghĩ mùa nào cũng cần cầu nguyện mà. Vậy ý nghĩa cầu nguyện trong mùa này là gì ạ?

Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 116 – Vài cách cầu nguyện (29/02/2024 08:18:50 - Xem: 226)

Câu hỏi: Xin chia sẻ giúp con vài cách cầu nguyện phù hợp với môi trường sinh viên? Con cảm ơn nhiều.

Năm lời khuyên để đạt được và duy trì sự bình an trong tâm hồn (26/02/2024 05:34:39 - Xem: 399)

Có nhiều lý do dẫn đến sự bất an nhưng chẳng có lý do nào là tốt cả. Chúng ta muốn kiểm soát mọi thứ, nhưng điều này thực sự là không thể.

Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 115 - Cuộc sống luôn là lời cầu xin Chúa (17/02/2024 05:14:31 - Xem: 354)

Kinh Sáng Soi có nguồn gốc ở đâu và ý nghĩa của từng lời kinh là gì? Xin giúp chúng con hiểu sâu xa lời kinh này.

Ba điểm chính trong Sứ Điệp Mùa Chay 2024 (13/02/2024 16:25:42 - Xem: 776)

Xin cho con hỏi nội dung chính của Sứ Điệp Mùa Chay 2024 của Đức Giáo Hoàng Phanxicô gồm những gì?

Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 114 - Đạo “gốc cây” cân đạo “tại tâm” (06/02/2024 07:37:20 - Xem: 364)

Tương tự như dụ ngôn thợ làm vườn nho, dụ ngôn tiệc cưới cũng cho thấy tình yêu thương vô bờ bến Thiên Chúa dành cho con người.

Bí mật của những linh mục đứng vững (31/01/2024 08:31:12 - Xem: 552)

Một Sự Hiện Diện làm nhẹ đi mọi gánh nặng. Một Sự Hiện Diện giúp nâng cao những ngọn núi. Một Sự Hiện Diện có thể làm nên những điều kỳ diệu…

Bài viết mới