Tác giả - Tác phẩm

Chầu Mình Thánh Chúa & Tĩnh tâm mùa Chay (bài 3)

  • In trang này
  • Lượt xem: 6,915
  • Ngày đăng: 01/04/2021 23:31:00

CHẦU MÌNH THÁNH CHÚA & TĨNH TÂM MÙA CHAY

ABRAHAM VÀ CHÚA GIÊSU,

HAI GƯƠNG MẪU ĐỨC TIN

 

 

Dẫn nhập

Những bài suy niệm về “Abraham và Chúa Giêsu, hai gương mẫu đức tin” sau đây có thể sử dụng để giảng tĩnh tâm Mùa Chay, hoặc để suy niệm Mùa Chay; cũng có thể dùng để suy niệm và cầu nguyện trong Giờ Chầu Thánh Thể Mùa Chay. Chúng ta tuỳ nghi sử dụng thích hợp theo chương trình mục vụ của giáo xứ, của cộng đoàn, v.v.

     Linh mục Mỹ Sơn, Long Xuyên

 

BÀI III

ABRAHAM ĐƯỢC AN ỦI.

ĐỨC KITÔ ĐẤNG AN ỦI

 

- Hát: Cầu xin Chúa Thánh Thần (quỳ)

Hướng dẫn:

- Chúng ta đã cùng nhau suy niệm và cầu nguyện về yếu đuối của Abraham khiến ông dối trá để bảo vệ mình. Ông đã được Chúa thương xót, tha thứ và bênh vực. Chúng ta cũng đã suy niệm và cầu nguyện về 3 cơn cám dỗ của Chúa Giêsu. Ngài cũng yếu đuối vì mang thân phận mỏng dòn của người phàm. Nhưng Ngài đã chiến thắng nhờ vâng phục hoàn toàn Lời Chúa soi sáng cho Ngài.

 

- Giờ đây, chúng ta cùng nhau suy niệm 2 điểm: 1/ Đọc và tìm hiểu chương 23 sách Sáng thế về việc Abraham mua một phần mộ chôn bà Sara, và suy niệm về ý nghĩa của nó. 2/ Kế đó, chúng ta suy tư vắn tắt chương 24 của Tin Mừng thánh Luca về việc Chúa Giêsu an ủi hai môn đệ Emmaus. Chúng ta xin Chúa ban ơn hiểu được sự an ủi mà Abraham nhận lãnh, để từ đó, chúng ta hiểu rõ hơn về quyền năng an ủi của Đức Kitô.

 

1. Ngôi mộ của Abraham

Trước hết, chúng ta thấy Sáng thế tường thuật khá vắn tắt về cái chết của Abraham ở chương 25, 7-10: “Ông Áp-ra-ham sống thọ một trăm bảy mươi lăm tuổi rồi tắt thở. Ông qua đời khi đã cao niên, đã sống tuổi già hạnh phúc và được mãn nguyện; và ông được về sum họp với gia tiên. Các con ông I-xa-ác và Ít-ma-ên chôn cất ông trong hang Mác-pê-la, trong cánh đồng của ông Ép-rôn, con ông Xô-kha, người Khết, đối diện với Mam-rê. Đó là cánh đồng ông Áp-ra-ham đã tậu của con cái ông Khết. Ông Áp-ra-ham được chôn ở đó, cũng như bà Xa-ra, vợ ông”. Tuy nhiên, toàn bộ chương 23 lại dành để nói về việc mua ngôi mộ. Câu hỏi đặt ra là tại sao trong truyện Abraham của sách Sáng thế: ơn gọi, lời Thiên Chúa hứa, sự đáp trả, đức tin của Abraham là những đề tài quan trọng, còn việc mua ngôi mộ có gì đâu mà dành tới hẳn một chương? Chúng ta sẽ tìm hiểu chương 23 kỹ càng về cấu trúc và những phần khác nhau của nó; sau đó, chúng ta sẽ đưa ra một số suy tư.

 

Tại sao chương 23 lại chiếm một chỗ quan trọng trong Sáng thế? Tại sao người ta lại tường thuật cẩn thận và chi tiết việc mua ngôi mộ? Chúng ta biết Sara chết ở đất Canaan, đang khi Abraham đi chăn đoàn vật ở xa. Ông đã vội vã trở về làm đám tang cho Sara. Đối với Abraham và Sara, Canaan là vùng đất thuộc nước ngoài, không phải quê hương. Sara chết ở nước người, bà chưa được thấy Thiên Chúa thực hiện lời hứa. Để có chỗ chôn Sara, Abraham đã mặc cả mua một ngôi mộ. Cuộc mặc cả này chia làm 4 phần: 1. Nhu cầu; 2. Nài nỉ; 3. thảo luận về giá cả; và 4. kết thúc và ký giao kèo.

 

Nhu cầu

Bản văn kinh thánh cho biết, đang khi khóc thương Sara, Abraham đã đứng dậy. Ông có việc cần làm, cần giải quyết, không thể chỉ ngồi đó khóc thương. Ông nói với những người Hittites. Đây là tên gọi chung đối với dân cư địa phương nơi Abraham đang sống. Ông nói với toàn thể cộng đồng dân cư, gần cửa vào làng. “Ông đứng dậy, để người chết đó và nói với con cái ông Khết rằng: "Tôi là ngoại kiều và là người khách ở giữa các ông. Xin các ông nhượng cho tôi một miếng đất riêng làm phần mộ ở giữa các ông, để tôi đem người chết của tôi đi chôn." (St 23, 3-4). Một lời cầu xin khiêm tốn. Xin cho tôi một miếng đất để chôn người vợ yêu quí của tôi vừa qua đời. Có lẽ, cho đến lúc đó, Abraham vẫn sống đời du mục nhưng tương quan rất tốt với dân cư địa phương. Họ cho phép ông chăn nuôi đàn vật, và ông được họ kính trọng. Dù vậy, ông vẫn là ngoại kiều. Để có một miếng đất chôn cất người chết, ông phải được dân địa phương đồng ý. Họ cũng biết rằng khi Abraham mua được miếng đất, ông sẽ là chủ sở hữu như họ và tình trạng pháp lý của ông sẽ thay đổi.

 

“Thưa ngài, xin nghe chúng tôi nói. Ngài là một vị đầu mục của Thiên Chúa ở giữa chúng tôi, xin cứ chôn người chết của ngài trong ngôi mộ tốt nhất của chúng tôi. Không ai trong chúng tôi sẽ từ chối không cho ngài chôn người chết của ngài trong mộ của chúng tôi đâu!" Họ gọi ông là ‘vị đầu mục của Thiên Chúa’ đầy sự kính trọng. Nó cũng có ý diễn tả, Abraham là người được Thiên Chúa ban cho lời hứa. Tuy nhiên, câu trả lời là một lời từ chối rõ ràng với sự kính trọng rất lịch sự. Câu trả lời đó có nghĩa là ông có thể chôn người chết của ông trong mọi ngôi mộ trống của chúng tôi; nhưng ông không thể sở hữu một ngôi mộ; chúng tôi yêu mến ông, nhưng ông là một vị khách, là người ngoại kiều ở đây thôi.

 

Nài nỉ

Abraham nài nỉ. Ông rất khiêm tốn: “Ông Áp-ra-ham đứng lên, sụp xuống lạy dân trong đất ấy, tức là con cái ông Khết, và nói với họ rằng: "Nếu quả thật các ông đồng ý cho tôi đem người chết của tôi đi chôn, thì xin nghe tôi nói và can thiệp với ông Ép-rôn, con ông Xô-kha cho tôi, để ông ấy nhượng cho tôi cái hang Mác-pê-la của ông, ở đầu cánh đồng của ông. Xin ông ấy nhượng lại cho tôi theo đúng giá, để tôi có một miếng đất riêng làm phần mộ ở giữa các ông." (c.7-9). Một người già cả như Abraham sụp lạy cư dân địa phương, cúi đầu sát đất, đó là một cử chỉ cực kỳ khiêm tốn. Mới đây, ông nói chung chung, bây giờ, ông nói rõ ràng, cụ thể hơn, ông muốn mua ngôi mộ nằm phía cuối cùng cánh đồng của ông Ep-rôn. Ông Êp-rôn trả lời thế nào? Ông ta ngỏ ý khéo muốn bán với một giá rất cao.

 

Thảo luận về giá cả.

Abraham rất muốn mua miếng đất và cái hang. Rất mực khiêm tốn, “Ông Áp-ra-ham sụp xuống lạy dân trong đất ấy và nói với ông Ép-rôn, có dân trong xứ nghe thấy: "Xin ông vui lòng nghe tôi nói: tôi trả ông giá tiền cánh đồng, xin ông nhận lấy cho tôi, để tôi chôn người chết của tôi ở đó." Ông Ép-rôn trả lời ông Áp-ra-ham rằng: "Thưa ngài, xin nghe tôi nói: một thửa đất giá bốn ký bạc, giữa tôi và ngài có là gì đâu? Người chết của ngài, xin ngài cứ chôn!" (c. 12-15). Đây là một giá cao kỷ lục.

 

Abraham làm gì trước một giá quá cao? Chắc chắn ông phải hi sinh một số bạc rất lớn. Nhưng dù sao, ông cũng đồng ý trả. Ông rất muốn làm chủ miếng đất đó dù nhỏ, ông không tranh cãi giá cả.

 

Ký kết giao kèo.

Giao kèo ký mua đất của Abraham được các nhà chú giải coi là một chứng nhận quyền sở hữu đất đai thực sự. Các câu 17-20 nêu rõ mọi chỉ dẫn của miếng đất nhỏ Abraham mua để chôn cất Sara. Như vậy, cuối cùng, Abraham cũng sở hữu một mảnh đất miền Canaan, dù rất nhỏ, chỉ dùng để chôn cất.

Hát: Xin thương đỡ nâng con suốt cuộc đời …

 

Gợi ý một vài suy tư sau:

- Suy nghĩ thứ nhất: Một mét vuông đất đã đủ đối với Abraham

Để được an ủi, Abraham chỉ cần một chút thôi. Ông chỉ có một người con duy nhất và từ người con đó, ông hi vọng sẽ có một dân tộc. Một người con là cái gì đó rất ít, nhất là theo tục lệ đông con thời đó. Một người con thì có nguy cơ mất đi vì bệnh tật, vì tai nạn. Nhưng Abraham coi người con duy nhất đó như dấu chỉ báo trước những ơn huệ Chúa sẽ ban dồi dào, dư dật. Ông tin tưởng điều đó đến nỗi sau khi cưới thêm một số nàng hầu, những người đó sinh cho ông con cái đông đúc (St 25, 1-4), ông vẫn đem những người con đó sang làm ăn ở phía Đông ngay khi còn sống, và mọi của cải tài sản của ông đều trao cho Isaac (người con chính thức duy nhất của ông) (c.5-6). Đối với Abraham, chỉ Isaac là đủ. Isaac là đứa con của lời hứa, cũng là đứa con của sự an ủi. Isaac là dấu chỉ, là bảo chứng và viễn ảnh về một dân tộc đông đảo mà Chúa hứa với Abraham. Cũng vậy, một mét vuông đất nhỏ bé là dấu chỉ và là vật bảo đảm của lời hứa: miền đất Canaan sẽ thuộc về ông. Thiên Chúa đã cho ông một mảnh đất nhỏ như dấu hiệu báo trước.

 

Abraham đã rảo qua khắp miền đất hứa, nhưng không một miếng đất nhỏ nào là của ông. Giờ đây, ông là chủ sở hữu một miếng đất, một hang động để chôn người vợ yêu quí. Miếng đất nhỏ được ông chiêm ngắm trước như là toàn miền đất hứa Chúa sẽ ban. Điều đó làm ông được an ủi rất nhiều. Do đó, đối với những ai tin, những ai đặt toàn bộ cuộc sống dựa vào Lời Chúa, thì dẫu chỉ là một dấu chỉ nhỏ nhoi, một bảo chứng không đáng gì trước mắt những kẻ không tin, đã đủ để những người tin đó được an ủi rất nhiều, vì đó là dấu chỉ, là bảo chứng của tình yêu Thiên Chúa.

 

- Suy nghĩ thứ hai: Một dấu chỉ nhỏ bé, chút ít cũng là bảo chứng của Chúa Thánh Thần

Trong thư 2 Cr. 1, 20-22, nói cho chúng ta biết mọi lời Thiên Chúa hứa đều nằm trong tiếng “có” (vâng) của Đức Kitô: “Quả thật, mọi lời hứa của Thiên Chúa đều là "có" nơi Người. Vì thế, cũng nhờ Người mà chúng ta hô lên "A-men" để tôn vinh Thiên Chúa. Đấng củng cố chúng tôi cùng với anh em trong Đức Ki-tô và đã xức dầu cho chúng ta, Đấng ấy là Thiên Chúa. Chính Người cũng đã đóng ấn tín trên chúng ta và đổ Thần Khí vào lòng chúng ta làm bảo chứng”. Bề ngoài, quả thật, chúng ta có rất ít, không có gì đáng kể trước mặt người đời, nhưng trong thực tê, những dấu chỉ nhỏ bé, ít ỏi đó lại là bảo chứng của lời hứa, của Thánh Thần, nên chúng ta đã có tất cả trong Đức Kitô và trong Thánh Thần.

 

Bởi vậy, chúng ta tin rằng mình được nâng đỡ, an ủi, bởi những dấu chỉ, những bảo chứng, những viễn ảnh của lời hứa. Dĩ nhiên, chúng ta phải nhắm đến việc Thiên Chúa thực hiện lời hứa là ban cho chúng ta hạnh phúc đời đời, nhưng cũng phải biết vui mừng trong hiện tại với tất cả những dấu hiệu, dù nhỏ bé, dù ít ỏi, giữa lòng cuộc sống hiện tại, vì chúng bảo đảm với chúng ta rằng: Thần Khí Thiên Chúa đã được đổ tràn vào lòng chúng ta.

 

Thinh lặng suy nghĩ và cầu nguyện.

Hát: Xin thương đỡ nâng con suốt cuộc đời …

 

- Đọc chung (Luca 24, 13-35):

Cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số. Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ. Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. Người hỏi họ: "Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?" Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu. 

 

Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời: "Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay." Đức Giê-su hỏi: "Chuyện gì vậy?" Họ thưa: "Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy." 

 

Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng: "Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh. 

 

Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa. Họ nài ép Người rằng: "Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn." Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. Họ mới bảo nhau: "Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?" 

 

Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Những người này bảo hai ông: "Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn."Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

 

2. Đức Kitô, Đấng Ủi An

Đức Kitô là Đấng Ủi An. Trong Luca chương 24, Chúa đã an ủi các môn đệ là chúng ta bằng những dấu chỉ báo cho các ông biết Ngài đã sống lại, đó là: mộ trống, tảng đá lấp mộ được lăn sang một bên, thiên thần loan báo Chúa đã phục sinh. Nhưng Chúa không bằng lòng với những dấu chỉ an ủi mà thôi. Những dấu chỉ đó không đủ sức bẻ gãy lòng cứng tin, sự sợ hãi của chúng ta. Chúng ta khác với Abraham. Ông tin vững mạnh, nên chỉ cần một dấu chỉ nhỏ thôi đã đủ cho ông. Bởi đó, Chúa Giêsu còn ủi an chúng ta bằng những cuộc gặp gỡ thân tình sau khi phục sinh. Chúa an ủi thế nào?

 

Câu chuyện hai môn đệ đi về làng Emmaus cho chúng ta thấy điều đó. Hai ông buồn bã vì Thầy mình đã chết và được an táng trong mộ. Chúa Giêsu hiện đến. Ngài khởi đi từ những tin tức mà hai ông mới nghe và nỗi buồn của họ, rôi từ từ dẫn dắt họ hiểu lời Kinh thánh và biến cố thập giá cũng như cái chết của Ngài. Cuối cùng, Ngài tỏ lộ cho các ông thấy Ngài đã phục sinh khi bẻ bánh trao cho các ông.

 

Chúa Giêsu là Đấng Ủi An. Ngài thích sống tập thể. Ngài đi tìm người khác. Ngài đến với hai môn đệ Emmaus, an ủi, khích lệ họ. Rồi chính họ lại loan báo Tin Mừng phục sinh cho những người khác, khích lệ, an ủi những người khác. Chúa Giêsu là người thành lập cộng đoàn các môn đệ. Ngài toả lan ra chung quanh sự an ủi, sự hiệp thông, sự tin tưởng. Ngài đã nhanh chóng biến đổi cộng đoàn các môn đệ âu sầu, chán nản, thành một cộng đoàn tràn ngập niềm vui và bình an. Và rồi, với sự hiện diện của Ngài và ơn Thánh Thần ban, cộng đoàn các môn đệ đón nhận Tin Mừng và ra đi loan báo Tin Mừng An Ủi cho mọi người. Chúng ta có thể nói như thánh Phaolô: đức tin đã là lớn lao, nhưng đức ái còn lớn lao hơn (1 Cr 13,13). Thực vậy, đức tin của Abraham thì vĩ đại, nhưng đức ái của Chúa Kitô còn vĩ đại hơn vì đức ái, Ngài đã thành lập cộng đoàn với những con người kém tin, chuyển thông cho họ lòng nhiệt thành, hăng hái và ý nghĩa trọn vẹn về Thiên Chúa.

 

Câu hỏi đặt ra cho chúng ta:

- Đâu là những dấu chỉ, những bảo chứng Chúa đã ban trong cuộc đời chúng ta, để chứng tỏ lời hứa của Ngài sẽ đến, sẽ được hoàn thành? (lời hứa ban sự sống đời đời, lời hứa hạnh phúc đời đời, …)

- Chúng ta có khiêm tốn, tin tưởng nhận ra những dấu chỉ, những bảo chứng ấy, dù chúng xem ra nhỏ nhoi không? Chúng có nâng đỡ đức tin của chúng ta, có an ủi chúng ta trong những giờ phút thử thách, gian nan, chán nản, buồn sầu, thất vọng không?

- Là môn đệ của Đức Kitô, chúng ta có biết an ủi những ai buồn phiền, khóc lóc không? Chúng ta có là người làm lan toả sự hiệp thông, tình đoàn kết, để tạo lập một cộng đoàn yêu thương, nhiệt tình và vui mừng loan báo Tin Mừng không?

Xin Chúa đổ tràn tình yêu của Ngài vào lòng chúng ta, để chúng ta biết yêu thương, tha thứ cho nhau, biết chân thành cộng tác với nhau trong công việc tông đồ, phục vụ và bác ái, trong sự hiệp thông trọn vẹn với Đức Kitô là nguồn mạch tình yêu. Amen.

 

Thinh lặng suy nghĩ và cầu nguyện.

Hát: Xin thương đỡ nâng con (đk & tk)

Đọc chung Thánh vịnh 23 – Mục tử nhân hậu

Nam   CHÚA là mục tử chăn dắt tôi,
           tôi chẳng thiếu thốn gì.

            Trong đồng cỏ xanh tươi,
           Người cho tôi nằm nghỉ.

Nữ      Người đưa tôi tới dòng nước trong lành

            và bổ sức cho tôi.

            Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính

            vì danh dự của Người.

Nam   Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u

            con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.

            Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.

Nữ      Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc
           ngay trước mặt quân thù.

            Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm,

            ly rượu con đầy tràn chan chứa.

Nam Nữ     Lòng nhân hậu và tình thương CHÚA

                    ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời,

                    và tôi được ở đền Người

                    những ngày tháng, những năm dài triền miên.

 

_____________________________________________

 

Chầu Mình Thánh Chúa

1. Hát một bài kinh MTC.

2, Người hướng dẫn đọc một lời cầu nguyện. Rồi cộng đoàn thinh lặng giây lát dâng lên Chúa lời cầu xin của cá nhân mỗi người.

3. Hát cầu cho ĐGH Phan-xi-cô.

4. Đây nhiệm tích.

5. Bài về Đức Mẹ, trông cậy (Kết thúc):

Lạy Mẹ xin yên ủi chúng con luôn luôn …

(*Lưu ý: có thể suy niệm và cầu nguyện trước Chúa Giêsu Thánh Thể bằng cách đặt Mình Thánh Chúa ngày từ đầu, trước khi bắt đầu suy niệm và cầu nguyện}

 

Bài cùng chuyên mục:

Kinh nghiệm về Thiên Chúa và ước muốn  (06/04/2024 10:09:20 - Xem: 368)

Hi vọng bài suy tư này giúp chúng ta hiểu rõ những ước muốn của chính mình, để từ đó, khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa

Làm sao biết đó là Ý Chúa  (03/03/2024 08:37:22 - Xem: 627)

Bài sau đây rất hữu ích về đời sống thiêng liêng cho cá nhân mỗi người và nhất là cho những người có bổn phận hướng dẫn đời sống thiêng liêng cho người khác, như các vị linh hướng…

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 4) (02/02/2024 09:04:08 - Xem: 505)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 3) (10/01/2024 05:25:47 - Xem: 636)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 2) (13/12/2023 05:58:01 - Xem: 741)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót  (02/12/2023 09:29:04 - Xem: 995)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Kinh nghiệm về Thiên Chúa hay chỉ là gặp gỡ chính mình? (30/08/2023 09:25:22 - Xem: 1,359)

Xin giới thiệu bài của cha Anselm Grun về sự phân định giữa kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa và sự gặp gỡ chính mình được phản chiếu qua hình ảnh Thiên Chúa mà ta tưởng là đã gặp.

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 6) (19/07/2023 07:38:57 - Xem: 1,041)

Trong bài 5, chúng ta đã nói tới sự khó nghèo của linh mục là một đời sống giản dị. Trong bài này, chúng ta sẽ đề cập tới một vài mẫu linh mục tiêu biểu về cách sử dụng tiền của.

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 5) (30/06/2023 08:53:13 - Xem: 1,711)

Ước gì hết thảy anh em linh mục chúng ta trở thành những mẫu linh mục đạo đức, thánh thiện như thánh Gioan-Maria Vianey, thánh Phanxicô Assisi,...

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 4) (09/06/2023 17:34:24 - Xem: 1,798)

Ước gì hết thảy anh em linh mục chúng ta trở thành những mẫu linh mục đạo đức, thánh thiện như thánh Gioan-Maria Vianey, thánh Phanxicô Assisi,...

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7