Tác giả - Tác phẩm

Các anh em linh mục yêu quí của tôi (bài 1)

  • In trang này
  • Lượt xem: 3,372
  • Ngày đăng: 01/02/2023 15:14:48

“À MES FRÈRES PRÊTRES”

“Các anh em linh mục yêu quí của tôi”

 

Giới thiệu

Các bài sau đây được chuyển ý, thích nghi và cập nhật từ một số các bài giảng của ĐGH Phanxicô. Các bài giảng này được thu thập trong cuốn “À mes frères prêtres” - “Các anh em linh mục yêu quí của tôi”[1]. Các bài này được dùng để suy niệm ban sáng dịp tĩnh tâm năm 2022 của các linh mục giáo phận Long Xuyên, và đã được phản hồi cách rất tích cực.

 

Đây là những bài suy niệm dành riêng cho các linh mục, tuy nhiên, cũng rất hữu ích cho các tu sĩ, cũng như giáo dân, nhất là những người dấn thân trong công cuộc tông đồ của Giáo hội, miễn là biết áp dụng cách thích hợp cho mình.

 

                              Linh mục Mỹ Sơn, giáo phận Long Xuyên

 

 

BÀI 1

THỜI ĐẠI MỚI[2]

 

Nhập đề

- Truyền tin cho Dacaria (Lc 1, 5-22)

Ông Dacaria thưa: ‘Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy? Vì tôi đã già và nhà tôi cũng đã lớn tuổi.’ Sứ thần đáp: ‘…và này đây ông sẽ bị câm cho đến ngày các điều ấy xảy ra, bởi vì ông đã không tin lời tôi…’ (Lc 1, 18; 20)

 

- Truyền tin cho Mẹ Maria (Lc 1, 26-‘34-38’- phần sau):

Bà Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” “Bấy giờ bà Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (c.38).

 

Thánh Luca trình bày hai biến cố song song liên quan đến Đức Giêsu Kitô và Gioan Tẩy Giả. Hai biến cố truyền tin tương phản nhau. Qua sự tương phản, ngài muốn chúng ta khám phá ra rằng cách thế là Thiên Chúa và cách thế biểu lộ tương quan của chúng ta với Người trong Cựu ước đang từ từ biến mất, và rồi chúng ta khám phá cách thế mới mà Con Thiên Chúa làm người đem đến cho chúng ta.

 

Hiển nhiên, trong cả hai biến cố truyền tin, về Chúa Giêsu và về Gioan, đều có một thiên thần. Tuy nhiên, trong truyền tin về Gioan, thiên thần hiện ra ở Giu-đê, trong thành quan trọng nhất là Giêrusalem, và không phải diễn ra ở bất cứ đâu, mà là trong Đền thờ, trong nơi cực thánh; hơn nữa, thiên thần nói với một người đàn ông và là tư tế. Trong khi truyền tin Ngôi Lời nhập thể lại diễn ra ở Galilê, miền dất xa xôi nhất và cũng nhiều xung đột nhất, trong một ngôi làng nhỏ là Nadarét – trong một căn nhà, chứ không phải hội đường hoặc một nơi thuộc tôn giáo; thiên thần nói với một giáo dân và còn là một phụ nữ; chứ không phải là một tư tế hay một người đàn ông. Sự tương phản rất lớn. Cái gì đã thay đổi? Tất cả! Thay đổi tất cả. Và trong sự thay đổi này, căn tính sâu xa của linh mục chúng ta nằm ở đó.

 

Anh em tự hỏi phải làm gì khi đối diện với cuộc khủng hoảng căn tính linh mục, chiến đấu chống lại nó thế nào?

 

I. Maria và Dacaria: hai con người tương phản.

1. Trở về với thân phận nhỏ bé của linh mục trong khiêm nhường như Maria.

Đối diện với cuộc khủng hoảng căn tính linh mục, nhất là tại các nước Âu Mỹ, chúng ta phải bước ra khỏi những nơi quan trọng, bề thế, bệ vệ và uy nghiêm, để quay trở về nơi mà từ đó, chúng ta được kêu gọi, nơi mà hiển nhiên rằng sáng kiến và quyền năng là từ Thiên Chúa. Đó là nơi nào? Đó có thể là nơi, là lúc, chúng ta được rửa tội. Đó cũng có thể là nơi, là lúc chúng ta được nghe lời Chúa kêu gọi làm linh mục của Ngài. Nơi đó, lúc đó, chúng ta còn rất bé nhỏ, không là đấng bậc nào, không là gì trong xã hội và giáo hội. Trở về với thân phận hèn mọn đó, chúng ta sẽ ý thức và nhận ra rằng không ai trong chúng ta được kêu gọi để chiếm một địa vị quyền thế và vinh quang. Không ai cả. Bởi vì như thánh Phaolô dạy: “Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh?” (1Cr 4,7).

 

Đôi khi, dù không muốn và thực ra, cũng không có tội có lỗi gì, chúng ta vẫn có thói quen lẫn lộn hoạt động hàng ngày của mình trong tư cách là linh mục, với các nghi lễ, với các cuộc họp, với các cuộc gặp gỡ, mà ở đó chúng ta chiếm một vị trí cao, theo phẩm trật; sự lẫn lộn này làm chúng ta thấy mình quan trọng, thấy mình ở trên người khác; chúng ta trở nên giống Dacaria, một tư tế cao cả; hơn là Maria, một cô gái bình dân, mộc mạc.

 

“Tôi tin khi nói rằng linh mục là người rất nhỏ bé: sự cao cả khôn tả của ân ban bởi tác vụ đặt chúng ta vào hàng ngũ những người nhỏ bé nhất. Linh mục là người nghèo nhất trong mọi người, nếu Chúa Giêsu không làm giàu ngài bằng sự nghèo khó của Chúa; linh mục là tôi tớ vô dụng nhất nếu Chúa Giêsu không gọi ngài là bạn hữu; linh mục là người ngu độn nhất nếu Chúa Giêsu không kiên nhẫn dạy đỗ ngài như dạy dỗ Phêrô; linh mục là người ít được trang bị nhất trong các kitô hữu - đây có ý nói đến sự yếu đuối của linh mục - nếu Vị Mục Tử Nhân Lành không ban sức mạnh cho ngài giữa đàn chiên. Không ai nhỏ bé hơn một linh mục nếu chỉ dựa vào sức mình; vì thế, lời cầu nguyện xin ơn bênh đỡ của chúng ta chống lại mưu mô của Thần Dữ là lời cầu nguyện của Mẹ Maria: Lạy Chúa, con là linh mục bởi vì Chúa nhân lành đã nhìn đến phận hèn mọn của con  (Lc 1,45).

 

2. Trở về với lòng quảng đại của lời xin vâng ban đầu.

Anh em thân mến, trở về Nadarét, trở về Galilê có thể là con đường để đương đầu với cuộc khủng hoảng căn tính linh mục. Sau khi sống lại, Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta trở về Galilê để gặp Người. Trở về Nadarét, trở về Galilê để giải quyết cơn khủng hoảng căn tính, để canh tân chúng ta trở thành những mục tử-môn đệ-nhà truyền giáo, chứ không chỉ là tư tế, canh giữ đền thờ để an nhàn, thụ hưởng bổng lộc.

 

Chính anh chị em (linh mục, tu sĩ) đã nói về sự lo âu thái quá trong việc quản lý các nguồn tài chánh để lo cho cuộc sống cá nhân hay tập thể như giáo họ, giáo xứ, giáo phận, v.v. được an toàn. Vì thế, nhiều khi phải dùng tới những con đường có thể nói là “quanh co”, ví dụ cách xin tiền, cách gây quỹ, cách sử dụng tiền bạc, v.v. theo “thói thế gian”. Hậu quả là chúng ta dành ưu tiên cho các hoạt động sinh lời về tiền bạc, tài chánh, còn sự dâng hiến đời sống cho công việc mục vụ, tông đồ, bác ái hàng ngày lại lơ là, đôi khi còn lãng quên nữa.

 

Khuôn mặt của Maria, một cô gái đơn sơ, giản dị, trong sáng tại nhà mình, tương phản hoàn toàn với cơ cấu Đền Thờ và kinh đô Giêrusalem, có thể là tấm gương để chúng ta soi vào mà thấy được những phức tạp của chúng ta, những mối bận tâm của chúng ta làm mờ tối đi và cản trở lòng quảng đại của lời xin vâng đầy hăng hái, nhiệt tình vào ngày chúng ta chịu chức linh mục.

 

3. Trở về với niềm phó thác trọn vẹn như Maria.

Những hoài nghi và nhu cầu giải thích của Dacaria lạc điệu với lời xin vâng của Maria, Mẹ chỉ xin được biết điều sứ thần báo tin cho Mẹ được thực hiện thế nào.

 

Dacaria không vượt qua được mối bận tâm muốn kiểm soát mọi sự, ông không thể buông bỏ lô-gíc của bản thân coi mình là người có trách nhiệm, cũng như không thể buông bỏ não trạng làm chù, muốn nắm vững, điều khiển và làm chủ tất cả những gì sẽ xảy ra. Vì thế, ông nghi ngờ. Vì thế, ông không tin lời sứ thần báo tin: Ông nói: “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy?” (Lc 1, 18). 

 

Maria thì khác. Mẹ không nghi ngở. Mẹ không nhìn vào chính mình. Mẹ tin tưởng và phó thác: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói (Lc 1,38).

 

Dacaria đã thu nhỏ lại tương quan của ông với Thiên Chúa, như một tiến sĩ luật: luôn là giữ trọn Lề Luật, luôn xét đoán rằng lương bổng thì tương xứng với những cố gắng đã thực hiện, rằng chính tôi xứng đáng được Chúa chúc phúc, rằng Giáo hội có trách nhiệm phải nhận biết các nhân đức và nỗ lực của tôi… Thật là nhỏ mọn!

 

4. Trở về với Lòng thương xót của người mục tử như Chúa Giêsu.

Sống tương quan với Chúa như Dacaria thật là quá nhỏ mọn. Chúng ta không thể theo đuổi những gì sản sinh ra lợi lộc cá nhân; những mệt nhọc của chúng ta phải liên kết với lòng thương xót. Tôi có khả năng thương xót không? Đây là những bổn phận mà trong đó con tim chúng ta bị lay động và khiến chúng ta biết chạnh lòng thương như Linh mục Giêsu.

 

“Anh em linh mục thân mến, Giáo hội đòi hỏi chúng ta biết chạnh lòng thương. Trong đời sống mục vụ, chúng ta chung niềm vui với những đôi vợ chồng mới cưới; chúng ta cười đùa với những em bé được rửa tội; chúng ta đồng hành với các bạn trẻ chuẩn bị hôn nhân và đời sống gia đình; chùng ta đau buồn với những người lãnh nhận bí tích xức dầu trên giường bệnh; chúng ta khóc thương với những ai phải chôn cất người thân…” (Bài giảng lễ truyền dầu. 2/4/2015).

 

“Chúng ta trải qua hàng giờ và nhiều ngày để đồng hành với người mẹ kia bị sida, đứa trẻ nọ bị mồ côi, bà ngoại này có trách nhiệm săn sóc rất nhiều cháu chắt; hay thanh niên nọ mới đến thành phố mà đã bị thất nghiệp…” Biết bao cảm xúc! Nếu con tim chúng ta rộng mở, những cảm xúc này, những tình cảm này làm con tim của người mục tử mệt nhoài.

 

Đối với linh mục chúng ta, cuộc đời của mọi người không phải là một tờ thông tin, chỉ biết họ như biết một tin tức. Trái lại, là một mục tử chăm sóc đoàn chiên, chúng ta biết rõ họ, chúng ta có thể đoán ra lòng họ nghĩ gì. Chúng ta vui niềm vui của họ; đau khổ với những khổ đau của họ; và khi cùng đau khổ với họ, con tim của chúng ta bị xé ra từng mảnh, như tấm vải bị rút ra từng sợi, con tim đó bị xáo trộn dữ dội và như là bị mọi người ăn: hãy nhận lấy mà ăn. Đó là lời linh mục Giêsu luôn thì thầm khi săn sóc đoàn chiên của Người: hãy nhận lấy mà ăn, hãy nhận lấy mà ăn

 

Và cuộc đời linh mục chúng ta tự hiến như vậy trong phục vụ, trong sự gần gũi với dân Chúa… là dân luôn luôn làm chúng ta mệt nhọc. Anh em linh mục thân mến, sự gần gũi dân Chúa luôn làm chúng ta mệt nhọc. Nhưng thật là đẹp khi mệt nhọc vì gần gũi với mọi người.

 

Hãy làm mới lại ơn gọi của chúng ta, làm mới luôn luôn, bằng cách kiểm chứng lại xem những mệt nhọc và những bận tâm của chúng ta có dính dáng đến “linh đạo theo tính thế gian” không, khi mà những nhu cầu vật chất, những bận tâm, lo lắng bên ngoài tuôn đến chúng ta như thác đổ, như muốn đè bẹp chúng ta, khiến chúng ta khó có thể chống cường, gạt bỏ, phủi chân, để tự do bước đi trên những nẻo đường dẫn tới tình yêu huynh đệ, tới đàn chiên của Chúa, tới những con chiên đang chờ đợi tiếng gọi và sự chăm sóc ân cần của các mục tử.

 

Làm mới lại ơn gọi của chúng ta, chính là chọn lựa, là nói lời xin vâng và chịu đựng mệt nhọc dưới cái nhìn của Chúa, Đấng hiện diện và cho Con của Ngài là Chúa Giêsu nhập thể. Ước gì chúng ta tìm thấy nguồn cội căn tính và hạnh phúc của chúng ta trong sự mệt nhọc có giá trị cứu độ này. Gần gũi làm mệt nhọc và mệt nhọc này là sự thánh thiện.

 

Ước gì các bạn trẻ khám phá ra nơi chúng ta điều này: chúng ta để họ “nhận lấy mà ăn” và điều đó dẫn họ đến với Chúa Giêsu và đi theo Ngài. Hơn nữa, bởi ngỡ ngàng trước niềm vui tự hiến hàng ngày của Chúa và của các mục tử, họ ngày càng chín muồi và rồi, một ngày nào đó, trong thinh lặng và cầu nguyện, họ tự do chọn lựa và nói lên lời xin vâng.

 

Xã hội hiện đại của chúng ta là một xã hội hoạt động không ngừng, một xã hội luôn bận rộn, ồn ào, náo động. Tất cả những hoạt động ồn ào, náo động đó làm chúng ta không còn tìm được chỗ cho sự thinh lặng nội tâm để nhận ra cái nhìn của Chúa Giêsu và nghe được tiếng Ngài kêu gọi.

 

Đừng để điều đó xảy đến với chúng ta, bởi vì cơn lốc vật chất của trần thế này sẽ xô đẩy chúng ta vào một cuộc chạy vô nghĩa, không định hướng, không mục đích rõ ràng và hậu quả là biết bao nhiêu nỗ lực của chúng ta sẽ trở nên vô ích. Tốt hơn, hãy tìm những không gian yên tĩnh và thinh lặng giúp suy tư, cầu nguyện và nhìn rõ hơn thế giới đang bao quanh chúng ta, và lúc đó, cùng với Chúa Giêsu, chúng ta sẽ có thể nhận biết đâu là ơn gọi của mình trên trái đất này. (Christus vivit, trang 277). Thời gian thinh lặng bên nhau trong những ngày tĩnh tâm này không phải là cơ hội quí giá Chúa ban cho chúng ta đó sao!

 

II. Maria, Êlisabét và Gioan: những gương mẫu của gặp gỡ xoá bỏ mọi rào cản.

Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét. Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”  (Lc 1,39- 45)

 

Sự tương phản giữa truyền tin cho Maria và truyền tin cho Dacaria trong Đền thờ mà thánh sử Luca trình bày cho chúng ta, đạt đỉnh điểm trong sự gặp gỡ giữa hai người phụ nữ: Maria và Êlisabét, còn cả Gioan trong bụng mẹ nữa.

 

Đức Trinh Nữ thăm viếng người chị họ cao niên và thế là lễ hội, nhảy mừng và ca ngợi. Êlisabét và Gioan trong bụng mẹ đại diện cho một phần của dân Israel thấu hiểu sự thay đổi sâu xa và đầy bất ngờ trong chương trình của Thiên Chúa: vì thế, họ chấp nhận được viếng thăm, vì thế, con trẻ nhảy mừng trong lòng mẹ.

 

Trong một thời gian ngắn, ở xã hội phụ hệ, người cha làm chủ, thế giới đàn ông lui bước, câm nín như Dacaria. Cũng vậy, ngày nay, những con người bé nhỏ, bình thường như một giáo lý viên nữ nhiệt tình, một sơ đang ân cần săn sóc bệnh nhân, một bà cụ sốt sắng đi lễ hàng ngày, có thể hơn bất cứ ai khác, nhắc nhở chúng ta rằng, đừng để bất cứ người nào, bất cứ sự gì, làm chúng ta đánh mất nhiệt tình rao giảng Tin Mừng, đánh mất nhiệt tình hoàn tất sự dấn thân từ lúc được rửa tội. Ơn gọi của linh mục chúng ta chính là rao giảng Tin Mừng; ơn gọi của Giáo hội, chính là rao giảng Tin Mừng; căn tính của Giáo hội, chính là rao giảng Tin Mừng.

 

Và người anh, người chị, người em của chúng ta chính là tất cả những ai đi đến gặp các anh em mình; những người đi đến để gặp gỡ như Maria, cũng như những người chấp nhận sự gặp gỡ đó như Êlisabét, như Gioan trong bụng mẹ, khi sẵn sàng để cho người khác biến đổi mình bằng cách chia sẻ văn hoá của họ, cách sống đức tin và diễn tả đức tin của họ.

 

“Khoảng cách” giữa Nadarét và Giêrusalem bị rút ngắn lại, biến mất nhờ lời xin vâng của Maria. Thực vậy, những khoảng cách, những chủ trương cục bộ vùng miền và phe phái, sự dựng lên những bức tường ngăn cách, tất cả những điều đó huỷ diệt sự năng động của nhập thế, một sự năng động phá đổ mọi bức tường ngăn cách chúng ta.

 

Thử hỏi, biến cố nhập thể đã xoá bỏ khoảng cách vô cùng vô tận giữa Thiên Chúa vô biên, siêu việt và con người hữu hạn, tầm thường chúng ta, vậy, còn khoảng cách nào, còn bức tường nào, có thể ngăn cản sự hiệp nhất, yêu thương của chúng ta nữa. Thánh Phaolô đã nói lên điều đó trong thư gởi tín hữu Êphêsô: “Thật vậy, chính Người là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên: dân Do Thái và dân ngoại thành một, Người đã hi sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét.” (Êphêsô 2, 14).

 

Tất cả chúng ta, không nhiều thì ít, đều là nhân chứng, là những người đã chứng kiến sự chia rẽ và thù hận được kết tinh lại thành những cuộc chiến tranh giết chóc tàn khốc­­­ , Vì thế, chúng ta  phải luôn sẵn sàng “đi thăm viếng”, nghĩa là bước ra khỏi tháp ngà của chính mình, ra khỏi bốn bức tường êm ái, an ổn, nhưng chật hẹp, tù túng của chính mình. Bước ra để gặp gỡ, để xoá bỏ ranh giới của cạnh tranh, chia rẽ, miệt thị giữa giàu-nghèo; thành thị-thôn quê; trí thức-bình dân; đạo đức-tội lỗi; thành công-thất bại; v.v.

 

Đó là điều kiện cần thiết để xây dựng một cộng đoàn hiệp nhất, yêu thương, trong khiêm tốn phục vụ, trong quan tâm tương trợ; một cộng đoàn của lòng thương xót đích thực.

 

Như Maria sẵn sàng ra đi, đến thăm chị họ mình là Êlisabét, và như Êlisabét và Gioan trong bụng mẹ chấp nhận sự thăm viếng của Maria; cũng vậy, chúng ta hãy ra đi, thăm viếng, gặp gỡ nhau. Nhờ thăm viếng, gặp gỡ nhau, chúng ta sẽ vượt qua được lô-gic của nghi kỵ, đối kháng và kết án lẫn nhau.

 

Lạy Chúa Thánh Thần; xin hãy đến soi sáng, hướng dẫn, ban sức mạnh cho chúng con. Amen. 


[1] ĐGH PHANXICÔ, “À mes frères prêtres”, Nxb Artège, Paris 2020

[2] Sách đã dẫn, trang 147-153.

Bài cùng chuyên mục:

Làm sao biết đó là Ý Chúa  (03/03/2024 08:37:22 - Xem: 470)

Bài sau đây rất hữu ích về đời sống thiêng liêng cho cá nhân mỗi người và nhất là cho những người có bổn phận hướng dẫn đời sống thiêng liêng cho người khác, như các vị linh hướng…

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 4) (02/02/2024 09:04:08 - Xem: 401)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 3) (10/01/2024 05:25:47 - Xem: 550)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 2) (13/12/2023 05:58:01 - Xem: 653)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót  (02/12/2023 09:29:04 - Xem: 907)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Kinh nghiệm về Thiên Chúa hay chỉ là gặp gỡ chính mình? (30/08/2023 09:25:22 - Xem: 1,298)

Xin giới thiệu bài của cha Anselm Grun về sự phân định giữa kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa và sự gặp gỡ chính mình được phản chiếu qua hình ảnh Thiên Chúa mà ta tưởng là đã gặp.

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 6) (19/07/2023 07:38:57 - Xem: 984)

Trong bài 5, chúng ta đã nói tới sự khó nghèo của linh mục là một đời sống giản dị. Trong bài này, chúng ta sẽ đề cập tới một vài mẫu linh mục tiêu biểu về cách sử dụng tiền của.

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 5) (30/06/2023 08:53:13 - Xem: 1,651)

Ước gì hết thảy anh em linh mục chúng ta trở thành những mẫu linh mục đạo đức, thánh thiện như thánh Gioan-Maria Vianey, thánh Phanxicô Assisi,...

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 4) (09/06/2023 17:34:24 - Xem: 1,758)

Ước gì hết thảy anh em linh mục chúng ta trở thành những mẫu linh mục đạo đức, thánh thiện như thánh Gioan-Maria Vianey, thánh Phanxicô Assisi,...

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 3) (19/05/2023 05:51:54 - Xem: 2,024)

Ước gì hết thảy anh em linh mục chúng ta trở thành những mẫu linh mục đạo đức, thánh thiện như thánh Gioan-Maria Vianey, thánh Phanxicô Assisi,...

Bài viết mới