Suy niệm tin mừng chúa nhật

BÀI GIẢNG THIẾU NHI LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VN

  • In trang này
  • Lượt xem: 7,871
  • Ngày đăng: 07/11/2022 08:41:47

Thiếu nhi chúng con yêu quý,

Hôm là lễ ngày kính ai vậy chúng con ?

- Dạ thưa lễ kính Các thánh Tử đạo tại VN.

+ Rất đúng. Các thánh TĐ tại VN là những ai vậy chúng con?

- Là những người Việt Nam, những nhà truyền giáo ngoại quốc chết vì Đạo tại VN. Các ngài là tổ tiên của chúng ta.

+ Việc các ngài chết như vậy đã lâu chưa ?

- Chưa! Mới cách đây khoảng 300 năm.

+ 300 năm với cả mấy trăm ngàn người đã dám chết vì Đạo như thế. Thật là một biến cố hết sức lạ lùng! Vậy cha hỏi chúng con, khi mừng kính các thánh Tử Đạo tại VN, chúng ta phải có những tâm tình nào? Cha thấy có nhiều tâm tình lắm nhưng đối với cha cha thích ba tâm tình này. 

1. Tâm tình thứ nhất đó là tự hào.

Chúng ta tự hào 3 lý do:

- Trước hết vì các thánh là người đã chết trên đất nước Việt Nam thân yêu này của chúng ta. Tertulianô sử gia của La Mã thuở xưa đã nói: “Hạt máu của những vị tử đạo là hạt giống nảy sinh ra những người Kitô hữu khác" 

Thứ đến là vì con số lượng lớn lao đông đảo các Thánh tại VN của chúng ta đã có mặt trong Lịch sử của Giáo Hội. Với 118 vị đã được Giáo Hội phong lên hàng hiển thánh, Giáo Hội VN được xếp nhất nhì trong sổ bộ các thánh đã được Giáo Hội tuyên phong. 

- Và cuối cùng tự hào vì các Ngài là những chứng nhân anh hùng quả cảm cho lòng tin vào Thiên Chúa. 

Đọc lại tiểu sử các Ngài ta không khỏi không cảm phục về đức tin kiên cường của các Ngài. 

Lịch sử còn ghi lại những hình phạt mà con người đã nghĩ ra và đã dùng để trừng phạt những người theo đạo như sau:

  - Nhẹ nhất là bị gông cùm. Bị xiềng xích, bị nhốt trong cũi, bị đánh đòn, bị bỏ đói cho tới chết.

  - Nặng hơn một chút thì bị voi dày, bị trói rồi bị ném xuống sông, bị chôn sống, bị đổ dầu vào rốn rồi cho bấc vào mà đốt, bị đóng đinh vào ván rồi đem phơi nắng cho đến chết.

  - Quyết liệt hơn một chút thì bị xử trảm, xử giảo (= bị thắt cổ) và thiêu sống.

  - Ác liệt nhất là bị xử lăng trì (phân thây ra từng mảnh) hay bá đao ( bị xẻo đi từng mảnh thịt cho tới chết)

Chúng con yêu quý.

Nhìn lại cái chết của các thánh Tử Đạo VN, chúng ta thấy gian khổ có cao, hình phạt có nặng nhưng lòng trung thành của các Ngài còn còn cao hơn. Cái chết của các Ngài thật đáng làm cho chúng ta phải tự hào. Trong sắc phong chân phước cho 64 anh hùng tử đạo VN ngày 27-5-1900 Chính Đức Thánh Cha Léo XIII đã nói về các Ngài với tất cả lòng khâm phục như sau: "Đây là những chiến sĩ trung liệt và kiên cường không kém gì những chiến sĩ ngày xưa vào những thế kỷ khai nguyên của Giáo Hội Chúa Kitô".

Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ II trong bài giảng ngày lễ tôn phong 117 vị anh hùng tử đạo Việt Nam lên hàng hiển thánh cũng phát biểu tương tự như thế. Ngài nói: "Từ năm 1533 tức là từ khi cuộc rao giảng Tin Mừng Kitô bắt đầu tại vùng Đông Nam Á, Giáo Hội Việt Nam trong suốt 3 thế kỷ đã phải chịu những cuộc bách hại liên tiếp nhau với một vài giai đoạn lắng dịu giống như các cuộc bách hại mà Giáo Hội tại Tây Phương đã chịu trong 3 thế kỷ đầu tiên. Đã có hàng ngàn tín hữu Kitô chịu tử đạo và rất nhiều người khác đã chết trong rừng núi, những vùng ma thiêng nước độc, nơi mà họ bị lưu đày tới".

2. Tâm tình thứ hai: Biết ơn.

Việc mừng lễ hôm nay làm cha nhớ lại những lời rất cảm động sau đây của Chúa Giêsu: "Kẻ gieo người gặt đều vui mừng. Kẻ này gieo, người kia gặt. Thầy sai các con đi gặt những gì chúng con không vất vả làm ra. Những kẻ khác đã khó nhọc, còn các con thừa hưởng công lao khó nhọc của họ " (Jn 4,36-37).

Sử gia Tertulianô ngày xưa khi nhìn lại những năm trời Giáo hội bị bách hại và những cuộc trở lại đạo hàng loạt sau đó, ông đã phải viết lên những lời rất rất đáng cho chúng ta suy nghĩ như thế này: "Những hạt máu của những vị tử đạo là những hạt giống làm nảy sinh ra những người Kitô hữu khác"

Chúng ta phải tạ ơn Chúa vì Chúa đã cho chúng ta có được những con người anh hùng như thế. Đồng thời chúng ta cũng phải biết ơn các Ngài vì  chính nhớ các Ngài mà hạt giống Đức tin đã nảy mầm và lớn lên trong chúng ta và trên đất nước thân yêu của chúng ta.

3. Tâm tình  thứ 3 là bổn phận phải sống làm sao cho xứng đáng với đáng với danh nghĩa con cháu của những anh hùng.

Châm ngôn VN có câu rất hay: "Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh"

Phải sống xứng đáng để những thế hệ mai sau khi nhìn vào chúng ta, họ cũng cảm thấy tự hào.

Năm 1934 khi nhắn nhủ một số các em nhỏ đến mừng sinh nhật của mình, nhà bác học nổi danh nhất của thế kỷ thứ 20, Albert Einstein đã nói với các cháu những lời cảm động như sau: "Các cháu nên nhờ rằng những điều kỳ diệu các cháu được học  ở trường là do công lao của biết bao thế hệ trên khắp thế giới đã hăng hái gắng sức và cặm cụi làm việc không ngừng, rồi truyền lại cho các cháu như một di sản để cho các cháu tiếp nhận, tôn trọng, tăng gia thêm và một ngày nào đó các cháu sẽ lại trung thành truyền lại cho con cháu các cháu. Nhờ vậy mà chúng ta, những con người hữu sinh hữu tử mới thành bất tử trong những vật trường tồn mà chúng ta cùng chung sức làm ra".

Chúng ta đang thừa hưởng một di sản vô cùng quý giá do Cha Ông chúng ta để lại. Cách trả ơn tốt nhất đối với các Ngài là tiếp nhận và trung thành truyền lại cho các thế hệ mai sau. 

Nhưng truyền lại bằng cách nào?

- Thưa bằng chính cuộc sống mà tổ tiên của chúng ta đã sống.

Văn hào Tagore khi bàn về cái chết của Thánh Gandhi, đã nói: "Có lẽ thánh Gandhi không thành công, có lẽ thánh sẽ thất bại như Đức Thích Ca đã thất bại, như Đức Giêsu đã thất bại vì chưa hủy diệt được lòng ác độc của loài người. Nhưng loài người luôn nhớ tới Thánh vì thánh đã đem đời mình ra để làm bài học cho muôn thế hệ mai sau"

a- Bài học đầu tiên mà mỗi người chúng ta phải noi gương bắt chước đó là trung thành với niềm tin.

Đức tin là ơn nhưng không Thiên Chúa ban cho chúng ta.

Hãy bảo vệ lấy, đừng để cho nó bị hao mòn đi.

Phaolô Mợi bị bắt, bị giải đến quan.

Quan dụ:

- Anh đạp ảnh đi, tôi sẽ cho anh một nén bạc.

Phaolô Mợi im lặng không trả lời.

- Vậy một nén vàng!

- Bẩm quan chưa đủ.

- Vậy anh muốn bao nhiêu?

- Bẩm quan lớn, quan lớn muốn cho tôi quá khóa thì quan phải cho tôi đủ vàng để  mua được một linh hồn khác.

Nguyễn văn Lựu: "Đạo đã nhập vào xương tủy tôi, làm sao tôi có thể bỏ được".

b- Bài học thứ hai phải can đảm sống niềm tin đó.

Victor Hugo: "Đồi Calvario ở đầu đường và hào quang cũng  xuất hiện ở đó".

Chúa Giêsu :" Nước Trời phải dùng sức mạnh mà chiếm lấy".

Không có chiến thắng cho những kẻ chưa lâm trận đã đầu hàng. 

Không có vinh quang cho những kẻ hèn nhát.

Phần thưởng càng lớn, vinh quang càng cao thì cái giá phải trả cho nó càng đắt.

Phải sử dụng sức mạnh mới chiếm hữu được Nước Trời.

 

Lời cuối cùng của cha. Cha xin mượn lời của Thánh Phaolô gửi cho tín hữu Roma. Ngài gửi những lời này cho họ vào lúc cơn bắt bớ đạo giáo tại đó bắt đầu trở thành khốc liệt. Ngài muốn dùng những lời này để khích lệ họ, để họ can đảm, để họ tin tưởng vào chiến thắng cuối cùng: "Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian  gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bỏ, gươm giáo?

 

Ngài nói tiếp như một xác tín: Trong mọi thử thách, chúng ta sẽ toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta" Và Ngài kết luận: "Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, chiều dài hay vực thẳm hay bất cứ một loài thụ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Kitô Chúa chúng ta."(Rom 8,35-39).Amen.

 

Lm. Giuse Đinh Tất Quý

 

 

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

(24.11)

Dẫn vào Thánh lễ

Lòng vàng đá tổ tiên ta

Hy sinh đổ máu mình ra vì Thầy

Chúng ta con cháu các ngài

Dấn thân làm chứng dựng xây cuộc đời.

Các bạn thiếu nhi thân mến, hôm nay, lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam: “Ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Lc 9,23-26).

Các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam thuộc đủ mọi thành phần trong Giáo hội: các giám mục, linh mục, thầy giảng, chủng sinh và giáo dân. Các ngài là những công dân hiền hòa và các Kitô hữu gương mẫu, sống trung thành với Thiên Chúa và yêu mến tổ quốc. Họ bị bắt bớ, tra tấn, tù đày và cuối cùng chết vì Đức Kitô.

Dâng Thánh lễ hôm nay, mời các bạn thiếu nhi hiệp lời tôn vinh Các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam. Chúng ta tiếp tục phát huy truyền thống anh dũng của tổ tiên, là sẵn sàng làm chứng cho Đức Kitô trong mọi hoàn cảnh. Mời cộng đoàn đứng.

 

Bài đọc 1 (2Mcb 7,1.20-23.27b-29)

Sách Ma-ca-bê quyển thứ hai tả lại cảnh bảy anh em bị bắt cùng với mẹ của mình. Đứng trước vua An-ti-ô-kô, cả bảy anh em đã anh dũng tuyên xưng đức tin và sẵn sàng chết cho niềm tin vào Thiên Chúa.

 

Bài đọc 2 (Rm 8,31b-39)

  Trong mọi gian nan thử thách, dù sự chết hay sự sống, cũng không tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa. Đó là lời Thánh Phaolô nhắn nhủ các Kitô hữu trong thư gởi tín hữu Rôma.

 

Lời nguyện chung

Chủ tế: Thiếu nhi chúng con thân mến, các Thánh Tử Đạo Việt Nam là những người đã dám hy sinh mạng sống để làm chứng cho niềm tin vào Đức Kitô. Hiệp với toàn thể Giáo hội, chúng ta cùng dâng lời nguyện xin.

 

1/ “Máu các Thánh Tử Đạo là hạt giống nảy sinh các Kitô hữu”. Xin cho các vị mục tử trong Hội thánh/ biết trung thành phục vụ Chúa và hăng say loan báo Tin mừng cho muôn dân. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

 

2/ “Các Thánh Tử Đạo Việt Nam là những bậc tiền nhân đã hoàn thành sứ mạng”. Xin cho các tín hữu Việt Nam/ biết noi gương các Thánh Tử Đạo/ mà can đảm sống đức tin giữa đời. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

 

3/ “Các Thánh Tử Đạo đã chấp nhận nên hạt lúa gieo vào lòng đất, để Hội thánh Việt Nam thu lượm được mùa lúa dồi dào”. Xin cho các phụ huynh, các thầy cô giáo lý viên và các anh chị trưởng/ biết sinh nhiều hoa trái tốt lành cho Chúa và tha nhân. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

 

4/ “Các Thánh Tử Đạo là chứng nhân anh dũng của Chúa Kitô, là thành phần trung kiên của Hội thánh”. Xin cho thiếu nhi trong giáo xứ chúng ta luôn nhớ rằng: chúng ta là con cháu các Thánh Tử Đạo, phải luôn noi gương và sẵn sàng tiếp bước cha ông. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

Chủ tế: Lạy Chúa, tổ tiên chúng con đã anh dũng hy sinh mạng sống để làm chứng cho Tin mừng. Xin thương nhận lời các ngài cầu thay nguyện giúp, cho chúng con luôn can đảm tuyên xưng niềm tin vào Đức Kitô, và trung thành phục vụ Hội thánh. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

 

CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN

Dẫn vào Thánh lễ

Các con làm chứng cho Thầy

Giữa lòng thế giới mỗi ngày đời con

Thầy sẽ ban sự khôn ngoan

Để con bền đỗ chu toàn ý Cha.

Các bạn thiếu nhi thân mến, hôm nay, Chúa nhật thứ ba mươi ba Thường niên: Ai bền đỗ đến cùng, người ấy sẽ được cứu thoát (Lc 21,5-19).

Chúa Giêsu nói về ngày Đền thờ Giê-ru-sa-lem bị tàn phá, “không còn tảng đá nào trên tảng đá nào” (Lc 21,6). Trước sự kiện này, có nhiều điềm xảy ra báo trước như chiến tranh, động đất, ôn dịch, đói kém… làm cho con người hoang mang. Vì thế, người môn đệ Đức Kitô hãy sống khôn ngoan và trung thành đến cùng, ngẩng cao đầu đón Chúa đến.

Dâng Thánh lễ hôm nay, mời các bạn thiếu nhi cùng hướng về ngày Chúa trở lại trong vinh quang, để chúng ta khôn ngoan chuẩn bị dầu đèn chờ đón Đức Kitô. Mời cộng đoàn đứng.

 

Bài đọc 1 (Ml 3,19-20a)

Ngôn sứ Ma-la-ki nhắc đến Ngày của Đức Chúa. Những người kính sợ Chúa sẽ được mặt trời chiếu sáng, những kẻ làm điều gian ác sẽ bị tiêu diệt.

 

Bài đọc 2 (2Th 3,7-12)

Trong thư gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca, Thánh Phaolô đã cảnh cáo một số người lười biếng/ không chịu làm lụng để có của nuôi thân. Ngài lấy chính bản thân mình làm ví dụ/ về sự chăm chỉ làm việc để tự nuôi sống mình, chứ không dựa dẫm vào các Kitô hữu.

 

Lời nguyện chung

Chủ tế: Các con thiếu nhi thân mến, Ngày của Đức Chúa sẽ đến. Chúng ta hãy chuẩn bị tâm thế sẵn sàng chờ đón Chúa đến cứu chúng ta. Trong tâm tình đó, chúng ta cùng dâng lời cầu xin.

1/ Các Kitô hữu được mời gọi làm chứng cho Đức Kitô trong mọi hoàn cảnh. Xin cho mọi thành phần trong Hội thánh/ luôn trung thành với nhiệm vụ loan báo Tin mừng Nước Trời. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

 

2/ Những người kính sợ Chúa sẽ được Mặt trời Công chính chiếu sáng. Xin cho các dân tộc trên thế giới/ biết kính sợ và tôn thờ Thiên Chúa, Đấng dựng nên vũ trụ và muôn loài. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

 

3/Chúa sẽ trở lại trong vinh quang để gặp gỡ con người. Xin cho các bệnh nhân và những người già yếu/ biết chuẩn bị từ xa cho cuộc gặp gỡ với Đức Kitô, Con Thiên Chúa. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

 

4/ “Kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát”. Xin cho các thầy cô giáo lý viên, các anh chị trưởng và các bạn thiếu nhi/ đừng sợ hãi vì là Kitô hữu, mà kiên tâm trong niềm tin vào Đức Kitô đến cùng. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

Chủ tế: Lạy Đức Kitô, Vua của chúng con, Chúa sẽ trở lại trong vinh quang/ để đón chúng con vào vương quốc vĩnh cửu. Xin giúp chúng con chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc hành trình này, để trong ngày đón Chúa, mọi người sẽ được cùng sum họp trên Thiên Quốc. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Bài cùng chuyên mục:

Bài viết mới