Tác giả - Tác phẩm

Abraham, Cha chúng ta trong đức tin (5 )

  • In trang này
  • Lượt xem: 5,077
  • Ngày đăng: 14/08/2021 09:10:36

ABRAHAM,

                   CHA CHÚNG TA TRONG ĐỨC TIN[1]

Carlo Maria Martini

 

Dẫn nhập

Trong các bài suy niệm về Abraham, chúng ta học nơi tổ phụ một niềm tin vững chắc, sắt đá vào Thiên Chúa và chương trình của Ngài. Abraham đã trải qua cả cuộc đời trong thử thách đức tin, và tổ phụ vẫn phó thác, tin tưởng trọn vẹn vào Thiên Chúa. Những dấu chỉ Chúa tỏ lộ, dù rất nhỏ bé đã đủ cho tổ phụ đặt trọn niềm tin.

Hành trình đức tin của Abraham cũng là hành trình đức tin của mỗi người chúng ta. Ước gì trên hành trình đức tin đó, chúng ta luôn được soi sáng và củng cố bởi tấm gương đức tin của tổ phụ, và nhờ vậy, chúng ta sẽ luôn kiên vững trong đức tin dù phải trải qua thử thách, gian nan đến đâu đi nữa.

Trong những trang sách về Abraham, Đức Hồng Y Martini cũng cho chúng ta những hướng dẫn rất quí giá về linh thao. Hi vọng điều đó sẽ giúp chúng ta suy niệm hoặc sống tuần tĩnh tâm đạt kết quả tốt đẹp.

 

                                                       Linh mục Mỹ Sơn, Long Xuyên

 

 

BÀI NĂM

Thái độ cư xử của Abraham

trong xã hội và công bằng xã hội

 

Hôm nay, chúng ta tiếp tục suy gẫm về một vài giai thoại trong cuộc đời Abraham. Những giai thoại này ít được quan tâm và còn bị cho là truyền thuyết, không có thực. Tuy nhiên, nếu xem xét chúng trong bối cảnh chung của lời hứa với Abraham, thì những giai thoại nhỏ bé và bên lề này vẫn có ý nghĩa, giúp chúng ta khám phá thái độ cư xử của Abraham trong những hoàn cảnh khác nhau dưới ánh sáng của Tin Mừng[2] dành riêng cho ông. Đầu đề của bài suy gẫm là Abraham và công bằng xã hội; nghĩa là Tin Mừng đã thúc đẩy Abraham cư xử với người khác thế nào.

 

Chúng ta sẽ lấy làm lạ khi thấy ơn gọi của Abraham vừa vĩ đại lại vừa mơ hồ. Sáng thế chương 12 nói tới ơn gọi của Abraham mơ hồ, không rõ ràng, khi ở Ai Cập, ông sợ hãi không dám nhận Sara là vợ, mà nói dối là em gái; nhưng chương 13 sau đó lại nói tới lòng quảng đại của ông. Như vậy, cuộc đời Abraham diễn ra khá giống với cuộc đời chúng ta: có những giờ phút của ánh sáng và những giờ phút của bóng tối, và chu kỳ lại tiếp tục diễn tiến như thế, để từ từ tiến gần đến sự nhận thức Thiên Chúa một cách trọn vẹn.

 

Lời Chúa (St 13, 1-18):

Ông Áp-ram từ Ai-cập lên miền Ne-ghép, cùng với vợ và tất cả những gì ông có; ông Lót cũng đi với ông. Ông Áp-ram rất giàu, ông có nhiều súc vật và vàng bạc. Ông đi từng chặng từ miền Ne-ghép đến Bết Ên, đến nơi lần trước ông đã cắm lều giữa Bết Ên và Ai. Ở nơi có bàn thờ ông đã làm trước kia, ông Áp-ram kêu cầu danh ĐỨC CHÚA.

 

Ông Lót, người cùng đi với ông Áp-ram, cũng có chiên bò và những chiếc lều. Đất ấy không đủ chỗ cho họ ở chung: họ có quá nhiều tài sản nên không thể ở chung với nhau được. Một cuộc tranh chấp xảy ra giữa những người chăn súc vật của ông Áp-ram và những người chăn súc vật của ông Lót. Thời bấy giờ người Ca-na-an và người Pơ-rít-di đang ở trong miền ấy. Ông Áp-ram bảo ông Lót: "Sao cho đừng có chuyện tranh chấp giữa bác và cháu, giữa người chăn súc vật của bác và người chăn súc vật của cháu. Vì chúng ta là anh em họ hàng với nhau! Tất cả xứ chẳng ở trước mặt cháu đó sao? Cháu hãy xa bác đi. Nếu cháu đi về bên trái thì bác sẽ đi về bên phải; nếu cháu đi về bên phải thì bác sẽ đi về bên trái."

 

Ông Lót ngước mắt lên và nhìn cả Vùng sông Gio-đan: chỗ nào cũng có nước. Trước khi ĐỨC CHÚA tiêu diệt thành Xơ-đôm và thành Gô-mô-ra, thì vùng đó, cho đến tận Xô-a, giống như vườn của ĐỨC CHÚA, giống như đất Ai-cập. Ông Lót chọn cho mình cả Vùng sông Gio-đan và đi về hướng đông. Thế là họ xa nhau. Ông Áp-ram ở đất Ca-na-an, còn ông Lót ở trong các thành Vùng sông Gio-đan, và di chuyển lều đến tận Xơ-đôm. Người Xơ-đôm xấu xa và mắc tội nặng đối với ĐỨC CHÚA.

 

ĐỨC CHÚA phán với ông Áp-ram sau khi ông Lót xa ông: "Ngước mắt lên, từ chỗ ngươi đang đứng, hãy nhìn về phía bắc, phía nam, phía đông, phía tây, vì tất cả miền đất ngươi đang thấy đó, Ta sẽ ban cho ngươi và cho dòng dõi ngươi mãi mãi. Ta sẽ làm cho dòng dõi ngươi nhiều như bụi trên mặt đất; nếu người ta đếm được bụi trên mặt đất, thì mới đếm được dòng dõi ngươi! Đứng lên! Hãy đi ngang dọc khắp miền đất này, vì Ta sẽ ban nó cho ngươi." Ông di chuyển lều và đến ở cụm sồi Mam-rê, tại Khép-rôn. Tại đây, ông dựng một bàn thờ để kính ĐỨC CHÚA.”

 

1. Abraham phân chia đất đai với Lot

Suy tư thứ nhất: Sáng thế 13, 1-18 nói gì? Phần thứ nhất: Sáu câu đầu cho biết tình thế: Abraham và Lót giầu có, quá giầu có. Quá giầu có, nên không thể sống chung được nữa. Thêm vào đó, mỗi khi mùa gặt tới, cả hai đều phải xin phép dân bản xứ cho đoàn vật đi qua. Vì thế, khi quá giầu có, nghĩa là đàn vật quá đông đảo, sẽ nảy sinh nhiều vấn đề. Khi còn nghèo, chúng ta dễ thoả thuận, dễ trợ giúp nhau, nhưng khi giầu có, bất hoà và tranh chấp bắt đầu xuất hiện.

 

Chúng ta thấy sự tinh tế của bản văn. Sự tranh chấp chỉ diễn ra giữa những người chăn dắt đàn vật của hai ông; còn những nhân vật lớn thì không nói tới, tư cách của họ không cho phép điều đó. Nhưng rồi cũng đến lúc cả hai phải giải quyết vấn đề. Câu 7 đề cập đến những người Canaan và Pê-ri-zi sống trong miền đó; Abraham và Lót vẫn là những vị khách, những ngoại kiều trong miền; các ông dễ gặp nguy hiểm. Tranh chấp giữa hai ông sẽ đưa đến những hậu quả xấu, phá tan sự giầu có của họ.

 

Một đề nghị quảng đại

Phần thứ hai: đề nghị của Abraham ở các câu 8 và 9: “Abraham nói với Lót: ‘Dù không có bất hoà giữa chú và cháu, vì chúng ta là anh em. Tất cả xứ sở không ở trước mặt cháu đó sao? Hãy tách rời chú đi. Nếu cháu đi bên trái, chú sẽ đi bên phải, nếu cháu đi bên phải, chú sẽ đi bên trái”. Đó là đề nghị hết sức quảng đại của Abraham.

 

Kế đó là chọn lựa của Lót. Von Rad nhấn mạnh trong chú giải của ông: quyết định nội tâm của Lót là đi theo con đường thấy được và cụ thể: “Lot đưa mắt nhìn lên và thấy toàn bộ Đồng bằng sông Gióc-đan đều có nước”. Ông đã thấy, nhưng ở đây, tác giả nói tới động cơ quyết định của Lót. Hướng mắt nhìn về Bê-thel sang hướng đông, ông thấy vùng đó “Trước khi Giavê huỷ diệt Sô-đô-ma và Gô-mô-ra – như vườn của Giavê, như đất Ai Cập, cho tới Coar. Lót chọn vùng Đồng bằng sông Gióc-đan cho mình và ông di cư về hướng đông” (câu 10-11).

 

Khi Lót đã chọn lựa, “hai chú cháu chia tay, Abram ở lại xứ Canaan, còn Lot định cư trong những thành của miền Đồng bằng, ông dựng lều cho tới Sô-đô-ma, mà dân Sô-đô-ma thì gian ác và tội lỗi chống lại Giavê”. Lời này như một tiên báo về điều sẽ xảy ra ở chương 19. Lót tưởng mình đã có một chọn lựa tốt đẹp. Ông không biết mình đã dấn thân vào những khó khăn do lòng ham muốn của ông thúc đẩy. Như vậy, một bên là chọn lựa của Lót, bên kia là sự ưng thuận của Abraham.

 

Phần kết của giai thoại là lời hứa thứ hai: “Giavê nói với Abram sau khi Lót rời bỏ ông: “Hãy ngước mắt nhìn – có lẽ Abraham hơi thất vọng: bây giờ Lót đã đi đến vùng đất mầu mỡ nhất, đẹp nhất, còn tôi, tôi làm gì? – từ chỗ ngươi đang ở, về phía Bắc, và Trung, về phía Đông và Tây. Tất cả xứ sở ngươi thấy, Ta sẽ ban cho ngươi và dòng dõi ngươi mãi mãi. Ta sẽ làm cho dòng dõi ngươi đông như bụi đất”, v.v. (13, 14-18).

 

Bây giờ, chúng ta suy gẫm bản văn giầu ý nghĩa tâm lý này. Nó biểu lộ tâm hồn con người, họ cư xử thế nào trong những hoàn cảnh xung đột.

 

Sự quảng đại của Abraham

Đối với Lót, Abraham có thể có nhiều ý định. Lót là đứa trẻ mồ côi ông đã nhận, dạy dỗ, săn sóc, và nuôi lớn với tình yêu thương; và có lẽ chính ông đã dạy Lót cách chăn nuôi; do đó, nếu nó trở nên giầu có, thì đương nhiên nó nợ ông sự che chở và dạy đỗ. Ông có quyền bắt nó phải nghe lời, biết ơn. Thế mà, Abraham không những cư xử với nó cách ngang hàng; mà còn coi như anh em; không phải như một người cháu mà ông nuôi nấng vì tình thương, và đáng lẽ nó phải nhường bước cho ông, vì nó nợ ông mọi sự. Tất cả những điều đó đều đúng nếu Abraham muốn nhấn mạnh đến quyền của ông. Vậy mà, ông không làm như thế. Ông coi Lót như anh em và không muốn có tranh chấp với nhau, nên tìm sự thoả thuận. Hơn nữa, ông còn cư xử lạ thường là coi nó như người anh. Ông dành cho Lót quyền của người anh; ông coi nó như gia trưởng: “Hãy đi đâu cháu muốn; cháu không thấy toàn thể xứ sở trải ra trước mắt cháu đó sao? Ta sẽ chọn cái mà cháu không muốn”.

 

Quả thực, chúng ta đang đứng trước một sự quảng đại tràn trề, nhất là đối với một người Do Thái tham lam, sung sướng về sự giầu có mà ông đã gầy dựng nhờ đôi bàn tay của chính mình. Sự quảng đại, sự từ bỏ phi thường của Abraham làm chúng ta kinh ngạc. Nếu là chúng ta, chắc chắn chúng ta sẽ làm khó người khác; làm cho họ hiểu rằng, họ phải chọn những gì thích hợp với họ, và không gì hơn nữa. Và chúng ta sẽ nổi giận, nếu người khác không hiểu mà chọn phần đáng lẽ thuộc về chúng ta. Khi để cho người khác chọn là chúng ta muốn họ chọn phần thuộc về họ với những giới hạn của nó. Trái lại, không một chút nhíu mày, nhưng thoải mái và thanh thản, Abraham chấp nhận phần mà người cháu từ chối. Thật đáng kinh ngạc! Ông không giả vờ, nguỵ tạo khéo léo. Ông không chơi trò quảng đại để chiếm phần hơn. Cách ông làm chứng tỏ một tâm hồn đơn sơ, ngay cả ngây thơ nữa; đây là điều hiếm thấy trong các tương quan giữa người với người.

 

Sự giầu có của Abraham: một Tin Mừng

Bây giờ, chúng ta bước sang suy tư thứ hai. Abraham được gì khi hoàn toàn từ bỏ, không đòi hỏi một chút quyền lợi nào của ông. Tại sao ông lại sẵn sàng quảng đại cho đi với con tim hoàn toàn tự do như vậy? Bản văn kinh thánh không nói gì, nhưng trong bối cảnh chung của lời hứa, chúng ta có thể trả lời: Abraham có một kho tàng trong tim ông; Lót không có lời hứa, nên đã tự chọn phần bề ngoài xem ra màu mỡ, phì nhiêu nhất. Abraham thì có lời hứa. Lời hứa đó quí giá hơn mọi sự, nó giúp ông trở nên tự do, bình an, sẵn sàng nhường phần đất tốt nhất cho Lót.

 

Và đúng như vậy. Dù văn cảnh không diễn tả điều đó cách trực tiếp, nhưng có thể nói tất cả đều được giải thích theo sự phong phú của lời hứa. Tuy nhiên, bản văn cũng cho chúng ta những chỉ dẫn như một nhà chú giải ghi nhận. Hãy so sánh lời Abraham nói với Lót (c.9): “Toàn thể xứ sở không phải ở trước mặt cháu đó sao?”, với lời Chúa nói với ông: “Hãy ngước mắt nhìn, toàn thể xứ sở người thấy, Ta sẽ ban cho ngươi”. (c. 14). Quả thực là tương đồng! Nếu Abraham nói với Lót như vậy là vì Chúa đã nói với ông: Đây Ta không chỉ cho người một vài mảnh đất, nhưng là toàn bộ xứ sở, từ Đông sang Tây, từ Bắc chí Nam, và Ta sẽ làm cho dòng dõi người đông như bụi đất. Chúng ta có thể so sánh sự quảng đại của Abraham với lời Thiên Chúa hứa; lời hứa đó gắn liền với Abraham suốt cuộc đời ông. Đúng vậy, Abraham sở hữu một sự giầu có to lớn: Tin mừng là lời Chúa hứa, và sự giầu có đó làm ông trở nên tự do, bình an, sẵn sàng, nhanh nhẹn.

 

Abraham và bốn vị vua

Bây giờ chúng ta xem giai thoại thứ hai, chương 14, nhất là câu 1-16: 4 vua chống lại 5 vua và Abraham[3]. Chúng ta sẽ cố gắng rút ra một vài suy tư thần học từ chương này, dù xem ra rất nghèo nàn. Giai thoại này có thể chia làm 4 phần.

 

Lót được cứu – tài sản cũng vậy

- Phần thứ nhất diễn tả cuộc chiến giữa 4 vua lớn miền Bắc; đó là: Amarphel, vua Si-nê-a, Aryok, vua El-le-da, Kedor-Laome vua Elam và Ti-đê-al vua Goyim với các vua miền Nam. Babylone và Ê-la-mite được nói tới, đó là những đế quốc hùng mạnh miền Bắc, có những tên thì được biết tới có những tên không ai biết. Đây là những nước lớn miền Bắc tấn công và tàn sát những bộ lạc Palestine nhỏ bé, những vương quốc không quan trọng (c.1-3).

 

- Phần thứ hai, từ câu 4-7, thuật lại làm thế nào trong 12 năm, Kedor-Laomer, vua Ê-lam đã thống trị các bộ lạc nhỏ xứ Palestine. Đến năm thứ 13, những bộ lạc này phản kháng; thế là 4 vua liên minh với nhau, năm sau đánh nhau với người Rê-pha-im ở Ashterot-Qarnayim, người Zu-zim ở Ham, v.v. cho tới El-paran gần sa mạc. Rồi 4 vua tiến tới En-Mispal (là Cadès), và tàn phá bình địa lãnh thổ của người A-ma-lê-ci và người A-mo-ri. Như vậy, tất cả những bộ lạc hiếu chiến và hùng mạnh bị tận diệt.

 

- Bối cảnh thật hùng tráng, hung bạo và cố ý làm cho to lớn. Nhưng nên để ý tới phần thứ ba, từ câu 9-12: các vua nhỏ vùng Sô-đô-ma và Gô-mô-ra cũng chống lại, nhưng thất bại, vì thế Lót bị bắt cầm tù. Sau khi đã chọn phần đất mầu mỡ nhất, ngay lập tức ông ta lâm vào cảnh bất hạnh; bản văn kinh thánh nói: “Họ bắt Lót và tịch thu tài sản của ông; vì ông sống ở Sô-đô-ma”.

 

- Phần thứ tư, từ câu 13-16, thuật lại: “Một người thoát được đến báo tin cho Abram, người Híp-ri, ông đang ở tại vùng Cây Sồi Mam-brê … khi Abram nghe biết cháu mình bị bắt, liền chiêu tập binh tráng gia thuộc của ông được 318 người, và đuổi theo tới Đan. Ông và người của ông xông vào quân địch ban đêm, và đã đánh đuổi họ tới Khô-ba, phía Bắc của Đa-mas (nghĩa là họ đã rảo qua cả 100 km). Ông đã thu hồi mọi của cải, cũng như Lót, cháu ông và của cải của Lót, các phụ nữ và dân chúng”. Ở đây, hiển nhiên có một câu chuyện hùng tráng, cố ý phóng đại, đáng cho chúng ta suy nghĩ.

 

Ba suy tư

- Thứ nhất: Có lẽ chúng ta sẽ nói là Abraham mất trí khi chỉ có 318 người mà dám chống lại 4 vị vua lớn vừa tận diệt những bộ lạc hùng mạnh nhất vùng Palestine. Có thể nói ông hầu như không còn lý trí và phán đoán. Nếu Abraham còn một chút phán đoàn, có lẽ ông đã không đem 318 người chống lại một số đông vô kể.

 

- Thứ hai: Câu chuyện nhấn mạnh đến thái độ kỳ lạ của Abraham. Vì ai mà ông dám liều mạng sống của mình và người của mình như vậy? Vì Lót, cháu ông là người đã lợi dụng lòng tốt của ông để chọn phần đất tốt nhất. Đáng lẽ Lót phải nói: “Bác là người lớn, bác hãy chọn phần đất theo ý bác, bác chia cho cháu phần đất nào cháu sẽ nhận phần đó”. Thế mà, giờ đây, Abraham liều mạng để cứu đứa cháu đã lạm dụng lòng tốt của mình. Rồi sau khi cứu Lót, ông không bảo: “Cháu về ở với bác. Bác cháu ta sẽ là một nhóm thôi. Bác sẽ là người chủ. Cháu thấy đó! Một mình cháu không thể làm gì được đâu!” Không, ông không nói gì, ông trả lại cho Lót mọi của cải và để Lót hoàn toàn tự do.

 

- Thứ ba: Bản văn kinh thánh còn cho biết, Abraham không chỉ giải cứu Lót, mà còn cả vua Sô-đô-ma nữa. Ông cũng cư xử với vị vua này cách quảng đại không kém. Vua này nói với Abraham: “Hãy trả lại người cho tôi, còn của cải thì cứ lấy!” Nghĩa là ông giải cứu tôi, hãy lấy phần chiến lợi phẩm của ông. Nhưng Abraham trả lời: “Xin giơ tay thề trước Thiên Chúa, Đấng Tối Cao sáng tạo trời đất; tôi sẽ không lấy một sợi chỉ, một cọng dây nào trong giầy dép của ông, tôi sẽ không lấy gì thuộc về ông; để ông không thể nói: ta đã làm cho Abram giầu có.”

 

Abraham biểu lộ lòng đại lượng

Ở đây, chúng ta khám phá toàn bộ tâm hồn Abraham, tinh thần tự do nơi ông, sự rộng lượng của ông, ý muốn chỉ mắc nợ một mình Thiên Chúa mà thôi. Chúng ta tự hỏi: cái gì đã giúp Abraham can đảm như vậy, cái gì giúp ông không sợ hãi, thắng mọi lý luận hợp lý: đuổi theo và chiến đấu với một kẻ thù hùng mạnh đến thế là tự sát? Điều gì đã giúp ông thắng vượt tình cảm tự nhiên đối với Lót? Ông có thể nói: “Nó đã muốn vậy! Không phải nó đã chọn lựa sao? Bây giờ nó lãnh hậu quả là đáng!” Cái gì đã giúp ông không màng đến chiến lợi phẩm?

 

Bản văn không nói gì. Nhưng chúng ta hiểu được nhờ văn cảnh, nhất là các câu 22-23, Abraham nói: “Tôi giơ tay lên trước Thiên Chúa, Đấng Tối Cao sáng tạo trời đất … ông không thể nói: ta đã làm cho Abram giầu có.” Sự giầu có của Abraham chính là Gia-vê, lời hứa của Ngài, Tin mừng của Ngài. Ông giầu có về đất đai, về một tương lai, về sự hiện diện của Gia-vê, bạn hữu của ông – chúng ta nên biết, trong toàn thể truyền thống Is-lam, Abraham được gọi là: bạn hữu, el khalil, bạn hữu đích thực. Ngay cả thành Hê-bron, nơi Abraham được an táng, cũng được gọi là Thành của bạn hữu. Ông giầu có về điều đó đến nỗi tất cả những gì khác không còn quan trọng. Ông yêu mến sự giầu có đó hơn mọi liên hệ hàm hồ có thể ký kết với Sô-đô-ma. Rất có thể bản văn muốn chỉ ra điều này: Abraham không dính dáng đến tất cả những gì sẽ xảy ra sau đó ở Sô-đô-ma. Sự độc lập của ông giúp ông không mất mát gì khi Sô-đô-ma bị phá huỷ. Ông đã giữ bàn tay thanh sạch và tự do đang khi mọi người đều nói: hãy lấy ít nhất là một phần chiến lợi phẩm dành cho các đồng minh.

 

Abraham đã nói: “Tôi không lấy gì. Chỉ những gì các đầy tớ của tôi đã ăn và phần cho những người đến giúp tôi. Aner, Eshkol và Mam-brê lấy phần của họ.” Cái gì thuộc về ông, ông đã từ chối, nhưng những gì thuộc về người khác, thì ông làm đúng theo luật công bằng. Ông không phải là không ý thức, mà biết nghĩ đến người khác và quyền lợi của họ. Riêng ông, tình bạn với Thiên Chúa đã đủ rồi.

 

Từ thái độ của Abraham, chúng ta có thể rút ra bài học để suy gẫm. Làm sao để sự hiểu biết Đức Kitô ngày càng phong phú nơi chúng ta, nhờ đó, chúng ta dần dần được giải thoát khỏi sự chi phối mạnh mẽ của những tình cảm lệch lạc: oán hận, sợ hãi, hà tiện, hẹp hòi, ty tiện, ghen ghét, muốn trả thù. Chúng ta được giải thoát không chỉ nhờ con đường thanh tẩy, mà còn nhờ vào sự phong phú nội tâm Đức Kitô thông ban.

 

2. Tin mừng tác động trên chúng ta là các kitô hữu.

Hãy lấy trong Tân ước một ví dụ đơn giản, trong bao ví dụ khác, về những tác động của Tin mừng trên các kitô hữu. Điều đó giúp chúng ta đào sâu chúng, xác định rõ ý nghĩa của chúng bằng cách dõi theo lịch sử của Abraham và xem lịch sử đó nói với chúng ta điều gì. Đó là hai dụ ngôn nhỏ, ngắn nhất trong Tân ước. Dụ ngôn kho tàng dấu trong cánh đồng chỉ có một câu duy nhất (Mt 13, 44), và dụ ngôn viên ngọc quý (Mt 13, 45-46). Đây là hai dụ ngôn cuối cùng trước dụ ngôn lưới cá là dụ ngôn kết thúc giáo huấn về Nước Trời bằng dụ ngôn:

 

"Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.” Lưu ý là người này vui mừng: anh đã nhận lãnh Tin mừng của anh, sự giầu có ngoài mong đợi làm anh thoả mãn và thấy đầy đủ. Anh bán hết mọi tài sản đang có để mua thửa ruộng có kho báu. Anh không màng tới những lời dị nghị của người khác. Anh tràn ngập niềm vui vì chỉ có anh mới biết mục đích của mình, chỉ có anh mới là người có lý. Một ngày nào đó, khi kho tàng lộ ra, mọi người sẽ thán phục và việc làm của anh được minh chứng: anh bán mọi sự để mua thửa ruộng đó là hữu lý.

 

Kho tàng của chúng ta là gì?

Còn chúng ta thì sao? Trong những hoàn cảnh khó khăn, điều gì thúc đẩy chúng ta hành động cách tự do? Vì bổn phận, vì muốn làm mọi sự tốt đẹp, vì đã bắt đầu, vì sự thành thật đòi hỏi phải đi đến cùng? Hoặc vì người khác mong đợi tôi điều đó, và tôi không thể làm họ thất vọng, hoặc hình ảnh họ có về tôi khiến tôi làm điều đó? Hoặc vì niềm vui Nước Trời, nghĩa là vì Tin mừng? Chắc chắn, những lý do khác cũng có ý nghĩa nào đó, nhưng vì Tin mừng, vì Nước Trời phải là lý do chính yếu, nếu không, chúng ta dễ làm vì giả hình, vì nhu cầu làm hài lòng, sợ chê bai, mong muốn có một vị trí nào đó, một địa vị xã hội, không muốn làm người khác thất vọng. Niềm vui Tin Mừng phải là nguồn cội của tất cả: đó là ý nghĩa nền tảng, trong sáng và quyết định.

 

Một câu hỏi khác được đặt ra: đâu là bản chất của niềm vui này? Đây không phải là niềm vui ồn ào, giả tạo; trái lại, nó khó nhận ra, và có thể chìm trong nỗi cay đắng, dù vậy, tận sâu trong tâm hồn, niềm vui đó có thực, nếu không, chúng ta không thể hiện hữu như một ki-tô hữu. Vì thế, điều quan trọng là: tôi có biết Tin Mừng của tôi là gì không? Tôi có thấy nó và cảm nhận được nó không? Vì nó là nền tảng của tất cả, của mọi hành động, của mọi chọn lựa. Nó là nơi Thiên Chúa đụng chạm đến ta trong đức tin, là mặc khải mà Thiên Chúa tỏ lộ về Ngài trong nội tâm sâu xa nhất của con người; là mặc khải của Thiên Chúa về mầu nhiệm Ba Ngôi, về Chúa Cha, Đấng ban cho chúng ta Chúa Con: một Tin mừng đúng nghĩa nhất. Vì thế, thánh Inhaxiô luôn dẫn chúng ta tới Đức Kitô, Con của Cha; Ngài là Tin mừng nền tảng giúp cho mọi lựa chọn khác có ý nghĩa, có giá trị mà không có khía cạnh tiêu cực, ích kỷ, vô nghĩa nào xen vào.

 

Một câu hỏi khác: đâu là sức mạnh để tôi hành động trong những trường hợp khó khăn? Niềm vui tin mừng là gì? Nó có tương hợp với sự khôn ngoan theo sách Giảng viên không?

 

Sự khôn ngoan đó là gì? Đó là sự khôn ngoan nói với tôi: không có gì mới trên trái đất này, mọi sự vẫn xảy ra như trước đây, đến và đi, vậy mệt mỏi vì nó làm gì? Thế hệ này đi, thế kia tới, nhưng trái đất thì vẫn luôn vậy; mặt trời mọc rồi lặn, nó lại vội đi về nơi mà từ đó nó mọc lên; gió xoay tới xoay lui rồi trở lại. Đó là kinh nghiệm của người sau khi đã chứng kiến biết bao sự việc, cuối cùng nhận ra rằng không có gì lạ lùng nữa.

 

Vậy liên quan giữa mọi sự đó và niềm vui tin mừng là gì? Giảng viên là một cuốn sách được linh ứng: làm thế nào để hoà hợp hai phương diện trên? Theo năm tháng cuộc đời, mỗi người chúng ta ngày càng nhận ra rõ ràng hơn những gì Giảng viên nói. Không có gì thực sự đổi thay, tại sao lại phải làm việc mệt nhọc quá độ? Nếu vậy, niềm vui tin mừng, cái mới, sự dấn thân, nguy cơ có nghĩa gì?[4]

 

Một câu hỏi cuối cùng: những tác động của Tin mừng nơi Chúa Giêsu là gì? Hiển nhiên chúng ta không thể đặt câu hỏi này vì Chúa Giêsu chính là Tin mừng; tuy vậy, chúng ta có thể tự hỏi: Chúa Giêsu biểu lộ Tin mừng nơi Ngài thế nào? Để hiểu điều đó, chúng ta có thể đọc thư gởi Phi-líp-phê 2, 5 tt: “Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su. Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa.” Hãy so sánh với Abraham. Dù giầu có hơn và có thể sai khiến Lót, nhưng ông không coi sự giầu có và ưu thế đó như một kho tàng không thể tước bỏ, mà đã trút bỏ chúng và cho Lót quyền chọn lựa. Chúa Giêsu là tin mừng, nên tự mặc khải như một người sẵn sàng hiến dâng chính mình trong niềm vui. Chúng ta không thể coi sự hiến dâng chính mình của Chúa là của lễ hi sinh nặng nề, mà là sự phong phú của một người Cha sẵn sàng hiến dâng, đó là tinh hoa của Tin Mừng: sự hiến dâng tình yêu của Chúa Cha, Đấng là tình yêu dâng hiến.

 

Bản văn của thánh Phaolô trên đây bằng tiếng hy lạp không có từ “vốn dĩ (mặc dù) là Thiên Chúa” mà chỉ có “Ngài, là Thiên Chúa”. Có thể nói vì mang bản tính Thiên Chúa, một bản tính phong phú vô cùng nên Chúa Giêsu vui mừng hiến dâng trọn vẹn.

 

Ở đâu có tự do, ở đó nảy sinh tình yêu

Trong bản văn tương tự, 2 Cr. 8,9, thánh Phaolô nói về quyên góp: “Quả thật, anh em biết Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có.” Ngài muốn trở nên nghèo khó vì Ngài giàu có, Ngài trở nên nghèo vì Ngài giàu. Đây là một mầu nhiệm. Có thể nói Thiên Chúa vô cùng, có tất cả, lại tìm kiếm một sự hữu hạn mà Ngài không có (theo Romano Guardini). Có thể giải thích ý tưởng này như sau:

 

Chính sự giàu có vô cùng của Thiên Chúa giải thích việc Ngài có thể trở nên nghèo khó. Sự giàu có Tin mừng ban, là nguồn mạch cho sự độc lập, tự do của chúng ta và nhờ đó, chúng ta có thể hành động trong công chính và chân lý, trong quảng đại cho đi: hành động này đòi hỏi sự độc lập và tự do, tận đáy lòng chúng ta.

 

Thực vậy, khi con người trở nên phong phú nhờ sự viên mãn của Đức Kitô, khi người đó hiểu Đức Kitô trọn vẹn, thì tình yêu Thiên Chúa đã tuyệt hảo nơi họ, lúc đó, họ có thể hiến dâng chính mình cách tự do và quên cả bản thân trong sự dâng hiến đó.

 

Khi lời thâm nhập tận đáy sâu …

Bây giờ chúng ta bước sang bản văn cuối cùng có thể đặt đầu đề là: “Tin mừng cho một cộng đồng quốc tế”. Đó là Luca 8, 19-21: “Mẹ và anh em Đức Giê-su đến gặp Người, mà không làm sao lại gần được, vì dân chúng quá đông. Người ta báo cho Người biết: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy." Người đáp lại: "Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành." Sao lại có đầu đề lạ lùng này? Bởi vì nó phản ánh rõ ràng kinh nghiệm hàng ngày của chúng ta về một cộng đồng quốc tế: nguồn gốc khác, dân tộc khác, ngôn ngữ khác, văn hoá khác, giáo dục khác, tất cả mọi sự đều khác, người ta không thể thay đổi, không thể làm lại, không thể lại trở nên trẻ nhỏ, người ta không thể lại khởi sự nền giáo dục từ đầu, người ta không thể làm cho các văn hoá trở nên giống nhau.

 

Câu hỏi đặt ra là: chúng ta có thể thiết lập những liên hệ sâu xa hơn, mặc dù rất khác nhau không? Tin Mừng cho chúng ta biết rằng còn hiện hữu những liên hệ sâu xa hơn là những liên hệ giáo dục hay huyết thống. Đó là những liên hệ phát sinh từ sự lắng nghe Lời Chúa và thực hành Lời Chúa. Như vậy, chính chúng ta có thể thành lập các cộng đoàn kitô hữu như gia đình Thiên Chúa, vượt khỏi những giá trị văn hoá, xã hội nhờ Lời Chúa, mà Lời Chúa ở đây không là gì khác, nhưng là chính Đức Giêsu Kitô. Ngài là Lời nhập thể làm người. Vì thế, có thể nói, khi tất cả chúng ta kết hợp mật thiết với Đức Kitô, nên một với Ngài như chi thể với đầu của Thân Thể Mầu Nhiệm, thì lúc ấy, chúng ta là một gia đình Thiên Chúa gắn bó với nhau. 

 

Suy tư trên đặt ra một câu hỏi quan trọng: Chúng ta đã là một gia đình ‘cộng đồng quốc tế’ thực sự nhờ mối liên hệ sâu đậm phát xuất từ Lời Chúa và thực hành Lời Chúa chưa? Và gia đình chúng ta đã hiệp nhất trong Đức Kitô, vượt qua những khác biệt về giáo dục, văn hoá, tuổi tác, vùng miền chưa?

 

Câu hỏi gợi ý

1. “Sự giầu có của Abraham chính là Giavê” làm chúng ta tự hỏi: Đời sống nội tâm của tôi có ngày một phong phú, sâu xa không? Tôi có nhờ đó mà thoát khỏi những chi phối mạnh mẽ của những tình cảm lệch lạc như: bất mãn, oán hận, ghen ghét, sợ hãi, hà tiện, hẹp hòi không?

 

2. Trong những hoàn cảnh khó khăn, như “xung đột quyền lợi” giữa Abraham và Lót, động cơ thúc đẩy chúng ta hành động cách tự do là gì? Vì bổn phận, vì người khác mong đợi? Vì danh dự, tiếng tăm? Hay vì Nước Trời, vì Tin mừng như Abraham?

 

3. Tin Mừng của tôi có phải là Đức Kitô không? Tin mừng đó đã trở nên nền tảng và động cơ cho đời sống nội tâm và hoạt động tông đồ của tôi chưa?

 

4. Chúng ta trả lời thế nào cho câu hỏi cuối cùng của bài suy niệm về một gia đình ‘cộng đồng quốc tế’ thực sự?  

 


[1] Chuyển ý từ “Abraham, notre père dans la foi”, Carlo M. Martini, Éd. Saint Augustin-Saint Maurice, Suisse, 1994.

[2] “Tin Mừng” ở đây là những lời chúc phúc, hay lời hứa mặc nhiều hình thức khác nhau được Thiên Chúa ban cho Abraham; cũng có thể hiểu những lời chúc phúc này như những loan báo về ơn cứu độ được Thiên Chúa tỏ lộ cho ông.

[3] Chương này làm thành một nguồn riêng, không lệ thuộc vào nguồn Giavê, Ê-lô-ist, hay Tư tế. Không thể xác định từ đâu mà có. Nó chứa đựng những sự kiện cổ thời, trộn lẫn với nhau, cùng với những phóng đại quá rõ. Chương này làm cho các nhà chú giải kinh ngạc, nhất là phần một. Phần hai, nói về Mel-ki-sê-đéch, còn lạ lùng hơn, nhưng chúng ta sẽ bàn sau. Dường như phần một kể lại những truyền thuyết cổ, những câu truyện về chiến tranh tàn bạo, quan trọng, giữa những quốc vương lớn, mà Abraham nhỏ bé xen vào hàng ngũ của họ. Về chương này, Kinh thánh Giê-ru-sa-lem nói: “Giá trị của nó được nhìn nhận rất khác nhau. Dường như là một sáng tác muộn thời phỏng theo thời cổ … Theo lịch sử, Ê-lam không bao giờ cai trị những thành phía nam Biển Chết”.

[4] Tình trạng đạo nghĩa tại các giáo xứ qua các thời cha sở khác nhau; có lẽ đạo đức, nhiệt thành hơn khi cha sở là người đạo đức, nhiệt tình; nguội lạnh hơn khi cha sở bình bình; xuống dốc khi cha sở bê bối, gây gương mù. Cứ vậy, lên rồi xuống theo dòng thời gian. Chúng ta nỗ lực hết sức để làm gì? Rồi cũng vậy thôi!

Bài cùng chuyên mục:

Kinh nghiệm về Thiên Chúa và ước muốn(bài 2) (24/04/2024 22:17:35 - Xem: 31)

Hi vọng bài suy tư này giúp chúng ta hiểu rõ những ước muốn của chính mình, để từ đó, khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa

Kinh nghiệm về Thiên Chúa và ước muốn  (06/04/2024 10:09:20 - Xem: 404)

Hi vọng bài suy tư này giúp chúng ta hiểu rõ những ước muốn của chính mình, để từ đó, khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa

Làm sao biết đó là Ý Chúa  (03/03/2024 08:37:22 - Xem: 647)

Bài sau đây rất hữu ích về đời sống thiêng liêng cho cá nhân mỗi người và nhất là cho những người có bổn phận hướng dẫn đời sống thiêng liêng cho người khác, như các vị linh hướng…

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 4) (02/02/2024 09:04:08 - Xem: 522)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 3) (10/01/2024 05:25:47 - Xem: 657)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 2) (13/12/2023 05:58:01 - Xem: 757)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót  (02/12/2023 09:29:04 - Xem: 1,007)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Kinh nghiệm về Thiên Chúa hay chỉ là gặp gỡ chính mình? (30/08/2023 09:25:22 - Xem: 1,367)

Xin giới thiệu bài của cha Anselm Grun về sự phân định giữa kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa và sự gặp gỡ chính mình được phản chiếu qua hình ảnh Thiên Chúa mà ta tưởng là đã gặp.

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 6) (19/07/2023 07:38:57 - Xem: 1,050)

Trong bài 5, chúng ta đã nói tới sự khó nghèo của linh mục là một đời sống giản dị. Trong bài này, chúng ta sẽ đề cập tới một vài mẫu linh mục tiêu biểu về cách sử dụng tiền của.

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 5) (30/06/2023 08:53:13 - Xem: 1,726)

Ước gì hết thảy anh em linh mục chúng ta trở thành những mẫu linh mục đạo đức, thánh thiện như thánh Gioan-Maria Vianey, thánh Phanxicô Assisi,...

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7